Đem giống cây dược liệu quý về vùng Bảy Núi

25/10/2018 - 06:45

 - Bằng sự hỗ trợ của ngành kiểm lâm, những vùng nguyên liệu cây dược liệu do doanh nghiệp liên kết trồng với người dân mang lại nhiều kỳ vọng phát triển. Sự hợp tác này vừa giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn, yên tâm tham gia bảo vệ rừng, vừa giúp bảo tồn và phát huy giá trị cây dược liệu vùng Bảy Núi.

Bắt tay cùng sản xuất

Sở hữu khoảng 10 công đất quanh nhà ở khu vực núi Nổi (xã Thới Sơn, Tịnh Biên) nhưng lâu nay, gia đình anh Nguyễn Văn Tấn ít thu được huê lợi từ mảnh đất này. Nguyên nhân do đặc thù đất cát vùng núi thường khô hạn, thiếu nước tưới vào mùa nắng, trong khi các loại cây trồng ngắn ngày mùa mưa hiệu quả không cao. Do vậy, dù có đất ngay tại nhà nhưng gia đình anh Tấn chủ yếu nuôi vài con bò và làm thuê kiếm sống.

Nhận thấy đặc thù vùng đất cát khu vực núi Nổi thích hợp với những giống cây dược liệu chịu hạn như: sâm đại hành, xạ đen… nên Cơ sở sản xuất (CSSX) dược liệu Thảo An (TP. Long Xuyên) đã mang giống lên trồng thử. Sau thời gian thử nghiệm, thấy năng suất, chất lượng cây dược liệu đạt khá cao, cơ sở này đã mạnh dạn hợp tác với hộ anh Nguyễn Văn Tấn để triển khai trồng dược liệu trên 10 công đất, trước mắt là triển khai trên 1 công đất đã được dọn sạch, cày xới và có đầu tư hệ thống tưới bằng béc phun.

“Qua thử nghiệm, cây sâm đại hành trồng khoảng 6 tháng có thể thu hoạch, năng suất đạt hơn 1 tấn/công. Với giá thu mua hiện nay khoảng 18.000 đồng/kg, doanh thu đạt 18 triệu đồng/công. Sau khi trừ chi phí giống, phân hữu cơ hoặc vi sinh, công chăm sóc, thu hoạch, người canh tác có thể thu về lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/công. Đây là mức lợi nhuận lý tưởng đối với vùng đất núi” - chị Quách Yến Phượng (chủ CSSX dược liệu Thảo An) phân tích.

Cơ sở sản xuất dược liệu Thảo An ký hợp đồng trồng dược liệu với hộ anh Nguyễn Văn Tấn

Theo thỏa thuận hợp tác, CSSX dược liệu Thảo An hỗ trợ hộ anh Tấn 70% chi phí giống sản xuất, anh Tấn chịu trách nhiệm chăm sóc cây trồng đảm bảo đúng kỹ thuật do cơ sở cung cấp, không được sử dụng phân bón, thuốc hóa học (có thể tận dụng phân bò, bổ sung phân hữu cơ, vi sinh). Khi cây đến tuổi thu hoạch, CSSX dược liệu Thảo An sẽ thu mua lại với giá sàn 18.000 đồng/kg. Phần hoa lợi được chia theo tỷ lệ hộ anh Tấn nhận 70%, CSSX dược liệu Thảo An nhận 30%.

“Nếu quá trình hợp tác thuận lợi, cơ sở sẽ mở rộng ra hết 10 công đất nhà anh Tấn, trồng thêm một số loại cây dược liệu như xạ đen, đinh lăng… Tùy theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ, cơ sở có thể hợp tác thêm các hộ xung quanh” - chị Phượng chia sẻ.

Đưa xạ đen lên đỉnh Thiên Cấm sơn

Bên cạnh liên kết sản xuất cây dược liệu ở vùng đất ven chân núi, CSSX dược liệu Thảo An (doanh nghiệp vừa đạt giải thưởng phong trào thanh niên khởi nghiệp của tỉnh) còn có ý tưởng liên kết với các hộ dân giữ rừng trên núi Cấm trồng xạ đen - một loại dược liệu quý có nguồn gốc từ vùng Tây Bắc.

“Tôi thấy điều kiện tự nhiên, khí hậu trên núi Cấm phù hợp với cây xạ đen nên đã đặt cây giống ở tỉnh Hòa Bình về trồng thử nghiệm. Nếu năng suất, chất lượng cây đạt tốt, cơ sở sẽ tăng cường hợp tác với các hộ dân và ngành kiểm lâm để mở rộng sản xuất” - chị Phượng thông tin.

Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm An Giang) cho biết, đây là lần đầu tiên cây xạ đen được mang lên trồng trên núi Cấm. “Việc kết hợp với doanh nghiệp triển khai trồng cây dược liệu trên núi là hướng đi mới, được ngành kiểm lâm khuyến khích. Khi triển khai trồng, có liên kết cung cấp giống và tiêu thụ sản phẩm, vừa giúp bảo tồn, phát triển các giống cây dược liệu quý, vừa tăng thu nhập cho cư dân vùng núi để họ yên tâm giữ rừng” - ông Hùng nhấn mạnh.

Là người định cư lâu năm trên núi Cấm, có thời gian dài gắn bó với rừng núi nơi đây, ông Phạm Văn Hải, ngụ ấp Vồ Đầu (xã An Hảo, Tịnh Biên) phấn khởi khi liên kết với CSSX dược liệu Thảo An trồng cây xạ đen ở khu vực vồ Bạch Tượng.

“Thấy đất trên núi vậy chớ dinh dưỡng tốt lắm, tôi tin là điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây phù hợp với giống cây dược liệu này. Bao năm tham gia trồng và giữ rừng, đời sống của nhiều hộ dân trên núi Cấm còn khó khăn. Cùng với liên kết trồng cây dược liệu, chúng tôi đang tính toán mở tuyến du lịch mới khám phá những cánh rừng xuyên núi. Hy vọng với những mô hình này, cuộc sống người dân được cải thiện tốt hơn” - ông Hải mong mỏi.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN