Đến hẹn, thưởng thức măng tầm vông

02/07/2023 - 09:07

 - Mụt măng tầm vông nhỏ chừng cánh tay, nhưng được nhiều thực khách đánh giá ngon hơn các loại khác. Mùa mưa cũng là mùa măng phát triển, ăn không hết, nên người dân mới đem bán, không ngờ ngày càng hút khách. Chúng trở thành đặc sản được tìm kiếm không thua kém măng tre mạnh tông ở núi Cấm...

Mùa mưa tưới tẩm cho cây cối xanh mát trở lại. Những vườn tầm vông ở vùng núi đẹp như tranh cũng bừng dậy sức sống, chuyển màu xanh ngắt, vô số mụt măng tua tủa trồi lên, kế thừa sinh trưởng.

Từ trung tâm thị trấn Tri Tôn về xã An Tức (tỉnh An Giang), mấy sạp bán hàng con con, giản dị đã xếp măng tầm vông lên kệ, phục vụ theo đúng nhu cầu “mùa nào, thức ấy”.

Măng tầm vông có kích cỡ khá nhỏ, lớp vỏ màu xanh đậm, lõi màu ngà… Vừa thu hoạch xong, măng sẽ được đem rửa sạch ngay, từng mụt được gọt tỉa gọn lại, xếp lên rổ một cách chỉn chu.

Vì mụt măng nhỏ, nên sơ chế khá mất thời gian. Để chiều lòng khách hàng, hiện nay người bán đã có sẵn loại bóc vỏ, đảm bảo tươi, non và sạch sẽ.

1kg măng tầm vông còn nguyên có giá bán 30.000 đồng, tính công bóc vỏ người bán chỉ cộng thêm 5.000 đồng. Đó là giá đầu mùa, còn vào lúc thu hoạch rộ, măng được bán khá bình dân, chỉ từ 15.000 – 20.000 đồng/kg.

Măng tươi được hái mỗi ngày, tùy điều kiện, có hôm nhiều, hôm ít…, nhưng mùa này hầu như không đủ bán. Ở khu vực trồng tầm vông nhiều nhất của xã An Tức, bà con nhờ mùa măng mà có thêm thu nhập khá.

Chị Néang Móc cho biết, mỗi ngày chị bán được khoảng 10kg, ngày cuối tuần có thể gấp đôi. Ngoài số măng của vườn gia đình, chị mua thêm từ các hộ lân cận. Tầm vông được trồng chủ yếu để khai thác cây, nên những mụt măng được thu hoạch có mục đích tạo thông thoáng cho cây đạt tiêu chuẩn phát triển.

Mỗi bụi tầm vông mọc lên ít nhất từ 5-7 cây, nhiều hơn đến 20 cây. Người trồng xem chúng là “măng dạt” nhưng với người mua lại là loại “rau rừng” ngon đặc biệt, nhất là chế biến món canh măng giò heo, bò hầm măng tươi, măng xào tỏi…

Thời điểm măng tươi thu hoạch rộ nhất, thay vì bảo quản qua nhiều ngày sẽ khiến măng bị đen và không ngon, người dân đem bào mỏng phơi trong 2 ngày. Lúc này, măng được rưới thấm nước để phơi thêm ngày thứ 3, trở thành măng khô có màu ấn tượng, từng miếng măng khô ráo nhưng vẫn mềm dẻo.

Hoặc có người đem măng ngâm chua, đóng sẵn keo tiện lợi. Cả người bán và người mua đều có thể bảo quản nguyên liệu tốt hơn và có thêm sự lựa chọn trong cách chế biến.

Hết mùa trâm, vải rừng, thì đến măng tầm vông… Dù heo hút ở nông thôn miền núi, những gian hàng trên cung đường quen thuộc được bày trí tinh tươm luôn có sức hút riêng. Trong hành trình tham quan, khám phá, du khách luôn chọn ghé qua để mua vài món đặc sản làm quà khi trở về.

MỸ HẠNH