Dệt may thiếu đơn hàng, giá còn giảm hơn 50%

19/07/2023 - 19:59

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may chưa đủ đơn hàng cho quý III, quý IV. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp còn đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến hơn 50% so với bình thường.

Chiều 19-7, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chính thức thông tin tới báo chí về tình hình ngành dệt may Việt Nam nửa đầu năm 2023.

Năm 2023, tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm. Ngành dệt may theo đó chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 20,5% và xuất siêu 7,9 tỷ USD (cùng kỳ 2022 là 8,8 tỷ USD).

"Mức giảm sâu này không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực "xanh hóa" ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), EU và Luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức", đại diện Vitas cho biết.

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May 10.

Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy động cao từ cuối năm 2022 nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được với các gói hỗ trợ, ví dụ giảm lãi suất 2% với gói 40 nghìn tỷ đồng…

Vitas dự báo, tình hình sản xuất, xuất khẩu sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và quý IV.

Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến hơn 50% so với bình thường.

Năm 2023, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu xuất khẩu đạt 39-40 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt; tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác; xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài; khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa.

Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.

Theo VŨ DUNG (Báo Điện Tử Quân Đội Nhân Dân)