Đi chợ đầu năm

10/02/2022 - 07:02

 - Không hối hả, tất bật như những phiên chợ mua bán ngày giáp Tết, chợ họp những ngày đầu năm diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, chóng vánh nhưng vẫn vui vẻ. Đó là tâm lý ai cũng mong đợi để khởi đầu một năm được hanh thông, đầy may mắn.

Nhu cầu thay đổi, hoạt động mua bán ở chợ những ngày đầu năm diễn ra sớm hơn, nhộn nhịp hơn

Với quan niệm ngày xưa, đầu năm người ta sợ làm những việc khiến “tiền ra”, cùng suy nghĩ cả năm sẽ hao tốn nhiều hơn so với kiếm “tiền vào”. Vì vậy, trước Tết, các bà nội trợ tất bật chuẩn bị chu đáo nhất có thể, từ các món ăn, thực phẩm dự trữ đến chi tiết các gia vị, trái ớt, cọng hành… Trái cây, rau củ luôn đầy ắp trong tủ lạnh. Nhà nào không có điều kiện cũng trang bị thùng xốp lớn chứa nước đá để bảo quản đủ thực phẩm cho ít nhất 3 ngày Tết.

Ngày nay, chuyện đón Tết trở nên nhẹ nhàng hơn, cả trong cách nghĩ và cách làm. Chỉ vài bữa ăn hưởng ứng các món truyền thống, người ta đã phải đổi khẩu vị qua cá, hải sản hoặc rau củ cho thanh đạm hơn. Người lớn cũng “xí xóa” các điều cấm kỵ, hạn chế tâm lý trữ đông lạnh thực phẩm trong những ngày Tết, cho con cháu ăn hàng thoải mái bên ngoài. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, nhiều người du xuân, nên các tiểu thương mở bán từ rất sớm sau Tết.

Chợ đầu xuân mang không khí vui tươi và thân mật, đồng thời hàm ý cầu may mắn cho người mua lẫn người bán. Lượng khách không nhiều vẫn tạo bầu không khí xôm tụ. Mỗi người một nhu cầu, ngoài bổ sung thực phẩm cho những ngày tiếp theo, là tìm “lộc”, những món hàng mang ý nghĩa về mặt tâm linh trong dịp đầu năm mới.

Ngay từ ngày mùng 2 Tết, nhiều khu chợ đã mở hàng bán trở lại. Anh Hoàng Nam (bán dừa tươi tại chợ Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) bộc bạch: “Trước Tết bán tất bật từ sáng đến tối, nhưng tôi chỉ nghỉ ngơi mùng 1 Tết rồi ra bán tiếp nhằm “lấy hên”. Qua 1 năm dịch bệnh, ai cũng muốn khởi động sớm hơn để bù đắp tổn thất của năm cũ. Đầu năm thì khách ít hay nhiều không quan trọng, bán bằng một nửa ngày thường nhưng tôi vẫn vui. Người mua và người bán chúc nhau những lời thân tình để ai cũng có được may mắn, an lành, phát tài, phát lộc… khởi đầu cho việc làm ăn đầu năm được hanh thông, tốt lành”.

Đối với người xa quê, sống ở đô thị, được dạo thăm mấy phiên chợ “chồm hổm” là thú vui để cảm nhận một phần hồn quê. Đã thành lệ, năm nào đúng mùng 2 Tết, chị Nguyễn Thu Hằng (huyện Châu Phú) cũng hồ hởi ra chợ. Chị Hằng trần tình: “Tôi lấy chồng ở tỉnh Bình Dương, sống gần trung tâm thị xã. Mỗi năm được về bên mẹ đón Tết, tôi luôn dẫn các con đi dạo cho biết không khí ở quê. Hơn nữa, ngày Tết chỉ toàn ăn thịt, cá nên phải ra chợ sớm mua thêm rau xanh thay đổi khẩu vị. Dù sao thực phẩm tươi ngoài chợ vẫn ngon hơn đồ trữ nhiều ngày ở nhà. Không khí đầu năm thoải mái, dễ chịu bởi ai cũng muốn mua mau bán nhanh”.

Với anh Lê Thanh Tuấn (quê tỉnh Bến Tre), trải nghiệm thích thú là hòa mình vào không gian ở chợ quê buổi sáng, với không khí trong lành, hàng bán tươi ngon. “Ở quê tôi, muốn ra chợ phải băng qua đoạn đường khá xa, không được thong thả như nơi đây, đã có chợ trung tâm còn có thêm chợ nhóm ở nhiều chỗ nhỏ, thấy được sự linh hoạt, dễ chịu và hiểu hơn phần nào về tính cách, tập quán của bà con” - anh Tuấn chia sẻ.

Ở quê, không khí chợ có phần náo nhiệt hơn, bởi quy mô nhỏ, lượng người mua nhiều, hầu hết là chòm xóm, họ hàng đến ủng hộ nhau. Gọi là chợ, nhưng nhiều chỗ không có tên, người địa phương sẽ gọi theo thói quen, như: Chợ bến đò, chợ đầu vàm, chợ cầu đình… Hoạt động mua bán tại chợ rất nhanh. Từ 5 giờ sáng, chợ đã nhóm khá đông vui và sau 8 giờ đã kết thúc. Bên cạnh chợ không bao giờ thiếu những quán cà phê, quán ăn sáng mà với người lớn hay trẻ nhỏ đều là điểm dừng chân tiện lợi. Mấy phiên chợ chóng vánh nhưng vẫn đủ đầy mặt hàng, như: Gà, cá, hải sản, rau củ, hoa tươi, trái cây… cho đến đồ gia dụng, nông cụ, cây giống. Nhiều bà con tận dụng các sản phẩm cây nhà lá vườn, khi ăn không hết sẽ đem ra chợ, có gì bán nấy: Vài trái xoài, trái dừa, vài bó hoa vạn thọ, trái đu đủ mỏ vịt, chục trứng gà ta… góp vào góc chợ đủ sắc màu. Người bán xởi lởi cho biết, dân ở các tỉnh, thành phố về quê ăn Tết rất đông. Họ còn ở đây thì chợ vẫn còn xôm, vì bán được nhiều hơn ngày thường, từ hoa tươi, trái cây đi chùa, đến quà bánh, cá, ốc, rau củ… Buổi nào cũng nhóm chợ khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, vậy mà vui.

Đi chợ đầu năm cảm giác không xô bồ, náo nhiệt như thường ngày. Thay vào đó là sự ấm áp từ những lời chúc tốt lành, những cái bắt tay vui tươi. Người bán không nói thách, người mua không trả giá tạo tâm lý phấn khởi để mọi người kỳ vọng sẽ có một năm may mắn, làm ăn thuận lợi.

MỸ HẠNH