Địa phương không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thừa kế

24/08/2023 - 06:35

 - Báo An Giang nhận được đơn của bà Lê Thị Ngọc Ánh (ngụ khóm Sơn Tây, phường Thới Sơn, TX. Tịnh Biên), khiếu nại địa phương không giải quyết yêu cầu tranh chấp, gây thiệt hại quyền lợi.

Theo bà Ánh cha của bà (ông Lê Quang Khải, qua đời năm 1995) và mẹ (Trịnh Thị Tùng, qua đời năm 2013) tạo lập 4.000m2 đất vườn và đất ONT tại khóm Sơn Tây. Khi còn sống, họ chia cho 5 người con, mỗi người được hưởng 300m2. Việc phân chia chỉ giao đất trực tiếp, không lập văn bản. Người chị Lê Thị Ngọc Điệp cất nhà ở, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Người anh Lê Quang Kỹ và Lê Quang Lữ đã được cấp GCNQSDĐ.

Bà Ánh lập gia đình, sinh sống ở tỉnh Đồng Nai, nên phần đất được chia vẫn nhờ cha mẹ giữ hộ. Phần diện tích đất còn lại của ông Khải, bà Tùng (2.500m2) là vườn cây, một phần làm nơi an táng người trong gia tộc. Người em trai út có gia đình, sống chung nhà với cha mẹ, quản lý phần đất 2.500m2 và căn nhà phủ thờ. Năm 2016, người này qua đời, Nguyễn Thị Kính (em dâu bà) tiếp nối quản lý, sử dụng toàn bộ tài sản.

“Hiện tại, do tuổi cao, tôi muốn quay về quê sinh sống. Khi làm hồ sơ đăng ký xin cấp GCNQSDĐ, tôi mới phát hiện Kính đã được cấp GCNQSDĐ cả phần đất của tôi và chị Điệp (mặc dù chị vẫn đang ở trên đất). Chị em tôi yêu cầu Kính trả lại đất, gửi đơn đến UBND phường Thới Sơn nhờ can thiệp. Ngày 12/5/2023, Ban Nhân dân khóm Sơn Tây hòa giải trường hợp của chị tôi trước. Kính đồng ý chuyển trả QSDĐ 300m2; chỉ đồng ý trả 150m2 đất cho tôi. Hòa giải không thành, tôi khởi kiện đến Tòa án nhân dân TX. Tịnh Biên. Tòa án trả lại đơn, yêu cầu phải có hòa giải ở phường. Tới lui hết cơ quan này đến cơ quan khác mà tôi chưa được xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc. Giờ tôi phải làm sao để được hòa giải ở cơ sở theo yêu cầu của tòa án, để vụ việc được giải quyết thấu tình đạt lý, đúng quy định pháp luật?” - bà Ánh thắc mắc.

Đại diện UBND phường Thới Sơn cho biết, Tổ hòa giải khóm Sơn Tây mời đôi bên đến hòa giải, nhưng các bên đều không thống nhất. Tổ hòa giải kết luận hòa giải không thành, giao biên bản hòa giải cho các bên. Bà Ánh đến UBND phường Thới Sơn trình bày việc tranh chấp đất đai, yêu cầu phải ký tên, đóng dấu trên biên bản hòa giải của khóm, với lý do “Tòa án nhân dân huyện không nhận đơn khởi kiện của bà do chưa hòa giải ở cơ sở”. Cán bộ chuyên môn hướng dẫn để bà Ánh rõ: Việc bà yêu cầu ký và đóng dấu UBND phường trên biên bản hòa giải của Tổ hòa giải khóm Sơn Tây là không đúng quy định, vì biên bản không phải của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai của phường.

Qua xem xét, nội dung đơn của bà Ánh là tranh chấp quyền thừa kế trong gia đình. Địa phương hướng dẫn bà làm lại đơn tranh chấp quyền thừa kế trong gia đình, gửi tòa án; địa phương không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền thừa kế. Còn việc bà Kính được đứng tên trong GCNQSDĐ, có 2 nguyên nhân. Một là, toàn bộ anh chị em ruột trong gia đình phải ký tên, điềm chỉ trước mặt cán bộ làm hồ sơ thừa kế. Hai là, bà Kính làm hồ sơ cấp mới GCNQSDĐ phải thực hiện đúng theo quy trình cấp giấy. Nếu bà Ánh yêu cầu UBND phường hòa giải, bà phải sửa lại nội dung đơn tranh chấp đất đai (không phải đơn tranh chấp chia thừa kế) và các nội dung liên quan đến đất tranh chấp, đồng thời cung cấp chứng cứ liên quan. UBND phường sẽ tiếp nhận hòa giải theo thẩm quyền.

K.N