Dịch bệnh đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng

19/09/2023 - 09:06

Hiện nay, tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bác sĩ đang thăm khám bệnh nhân bị bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm khuẩn hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Đau mắt đỏ thường xảy ra ở địa bàn lũ lụt, ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước sinh hoạt.

Tính đến trưa 18/9, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có trên 140 cán bộ, giáo viên và hơn 6.200 trẻ em, học sinh, sinh viên ở các cấp học bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc). Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh vừa có công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học trên địa bàn thực hiện ngay công tác tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh này.

Tình hình bệnh đau mắt đỏ tại tỉnh Đắk Lắk đang tăng nhanh và diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ trong ngày 16/9, Đắk Lắk ghi nhận số ca mắc mới là 2.947 ca; trong đó có đến 2.781 ca trong trường học (chiếm 94,3%).

Còn tại Bến Tre, bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 11 - 16/9, toàn tỉnh ghi nhận 1.870 ca mắc đau mắt đỏ tại 146 cơ sở giáo dục thuộc 9 huyện, thành phố trên địa bàn. Các huyện ghi nhận nhiều ca mắc là Giồng Trôm (527 ca), Châu Thành (321 ca), Ba Tri (295 ca), Thạnh Phú (225 ca)…

Tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, từ ngày 1-11/9, có 22.444 trường hợp đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại Bệnh viện; trong đó có 11.572 trẻ em, chiếm 51,5%. Số trẻ em khám ngoại trú tăng đột biến và trên 80% được chẩn đoán bị đau mắt đỏ.

Theo thống kê sơ bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có khoảng 3.000 người mắc bệnh đau mắt đỏ, tập trung chủ yếu tại thành phố Pleiku. Cao điểm của dịch bắt đầu từ đầu tháng 9 và tăng cao sau ngày khai giảng năm học mới…

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. 

Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt 5 biện pháp sau:

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Theo TTXVN/Báo Tin tức