Dịch bệnh diễn biến trái chiều tại Tây Âu và Nam Âu

25/06/2020 - 14:25

Ngày 24-6, một số nước Tây Âu tiếp tục nới lỏng biện pháp hạn chế hoạt động trong bối cảnh tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến tích cực, trong khi một số nước Nam Âu tái áp đặt một số biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh tiếp tục lây lan.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trên xe buýt tại London, Anh ngày 15-6-2020. Ảnh: THX-TTXVN

Tại Anh, Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps tuyên bố việc thiết lập "các hành lang đi lại" với một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) nhằm miễn quy định cách ly 14 ngày là "ưu tiên lớn hàng đầu" của Anh.

Theo phóng viên TTXVN tại London, Chính phủ Anh dự kiến sẽ công bố "các hành lang đi lại" với 10 nước trong EU vào ngày 29-6. Hiện chưa có danh sách cụ thể 10 nước này, nhưng các nước Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Đan Mạch và Bỉ được cho là sẽ có tên trong danh sách. Theo đó, những người đến từ 10 nước trong "các hành lang đi lại" khi vào Anh sẽ được miễn quy định cách ly 14 ngày mà Chính phủ Anh áp dụng từ ngày 8-6 đối với tất cả người nhập cảnh nước này, kể cả công dân Anh từ nước ngoài về nước.

Hành lang đi lại dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 4-7 tới để người Anh có thể đi nghỉ Hè tại các nước vùng Địa Trung Hải được miễn áp dụng quy định nói trên. Anh đưa ra chính sách cách ly 14 ngày muộn hơn so với nhiều nước khác, trong bối cảnh một số nước đang nới lỏng chính sách đi lại. Chính phủ Anh cho biết biện pháp cách ly được đưa ra nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2 ở nước này trong khi thế giới chưa tìm ra được vaccine phòng COVID-19. 

Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte thông báo chính phủ nước này sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, song khuyến cáo người dân cần duy trì cảnh giác với dịch bệnh. Theo đó, từ ngày 1-7 tới, các phòng tập, phòng xông hơi và sòng bạc sẽ được phép mở cửa trở lại, trong khi các rạp hát, rạp chiếu phim sẽ không còn bị hạn chế số khán giả. Các phương tiện giao thông công cộng sẽ tiếp tục được nới lỏng hoạt động. Cũng từ ngày 1-7, các sân bóng đá tại Hà Lan sẽ mở cửa trở lại cho người hâm mộ thể thao đến xem nhưng với điều kiện hạn chế số lượng khán giả và đảm bảo các biện pháp phòng dịch.

Các trường trung học tại Hà Lan có thể mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Hè. Nhà chức trách cho biết học sinh không nhất thiết phải thực hiện quy định giữ khoảng cách ít nhất 1,5 mét, nhưng các giáo viên vẫn phải tuân thủ quy định này. Trong ngày 24-6, Hà Lan ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 6.097 ca. Số ca mắc tại nước này tăng thêm 83 ca lên 49.804 ca. 

Trong khi đó, do số ca mắc COVID-19 gia tăng tại các nước ở bán đảo Balkan, Chính phủ Croatia tuyên bố sẽ tái áp đặt quy định công dân các nước Bosnia, Serbia và Bắc Macedonia và vùng lãnh thổ Kosovo nhập cảnh nước này phải tự cách ly 14 ngày. Bộ Nội vụ Croatia thông báo biện pháp này có hiệu lực từ 0h ngày 25-6 theo giờ địa phương (tức 5h ngày 25-6 giờ Việt Nam). Quy định này sẽ không áp dụng đối với những khách quá cảnh Croatia. Chính phủ Croatia dự kiến xem xét lại quyết định trên sau 14 ngày.

Chú thích ảnh

Cảnh sát Đức kiểm tra các phương tiện giao thông tại khu vực biên giới với quốc gia láng giềng Áo gần Oberaudorf (Đức) trong bối cảnh lệnh hạn chế đi lại do dịch COVID-19 được ban bố, ngày 7-5-2020. Ảnh: AFP-TTXVN

Croatia cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, hạn chế được số ca tử vong ở mức 107 ca trong tổng số 2.388 ca mắc. Từ giữa tháng 5, quốc gia 4,2 triệu dân này ghi nhận ít hoặc không có ca mắc mới mỗi ngày. Cuối tháng 5, Croatia mở lại cửa khẩu mà không áp dụng biện pháp hạn chế đối với công dân của 10 nước EU đã khống chế được dịch bệnh (gồm Áo, CH Séc, Estonia, Đức, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia và Slovenia). Động thái này được đưa ra nhằm giải cứu ngành du lịch – lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế Croatia – đang bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh.  Tuy nhiên, số ca mắc tại đây có chiều hướng gia tăng trong tuần qua với 30 ca mắc mới trong một ngày. 

Trong khi đó, các nước và vùng lãnh thổ ở Balkan gồm Bosnia, Serbia, Bắc Macedonia và Kosovo có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn từ đầu tháng 6 này. Riêng Bắc Macedonia ghi nhận tới gần 200 ca mắc mới trong một ngày.

Tại Slovenia, Chính phủ nước này vừa áp đặt lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi đến các điểm công cộng trong nhà và trên các phương tiện giao thông công cộng, cũng như sát khuẩn tay trước khi ra vào các điểm này. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Slovenia ghi nhận số ca mắc mới tăng sau khi dỡ bỏ biện pháp phòng dịch đầu tháng 6 này. Đến nay, quốc gia Nam Âu này đã ghi nhận 1.541 ca mắc, trong đó có 109 ca tử vong.

Tại nước láng giềng Italy, chính quyền đảo Sicily thông báo hàng chục người di cư có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi được cứu ở Địa Trung Hải và được đưa đến một tàu cách ly ở ngoài khơi bờ biển phía Nam Italy. 

Tuần trước, tàu cứu hộ nhân đạo Sea-Watch 3 đã cứu hơn 200 người mắc kẹt trên biển, sau đó đưa đến thị trấn Porto Empedocle trên đảo Sicily ngày 21-6. Những người di cư, chủ yếu là người châu Phi, đã lập tức được đưa đến tàu Moby Zaza của Italy. Tại đây, 28 người di cư đã được xác nhận mắc COVID-19. 

Trước đó, Italy thông báo từ tháng 4 đến hết tháng 7 cấm các tàu cứu người di cư cập cảng nước này để đề phòng dịch COVID-19 lây lan. Hiện Italy chuyển tất cả những người di cư được cứu trên biển đến những tàu, phà lớn neo đậu ngoài khơi.

Theo Báo Tin Tức