Khách hàng được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào một cửa hàng ở London, Anh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo trang worldometers.info, tính đến 6h sáng 27-6 (theo giờ Việt Nam), thế giới có 9.882.684 ca nhiễm COVID-19, trong đó 495.605 ca tử vong và 5.343.772 ca phục hồi.
Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu về số ca nhiễm, tiếp theo đó là Brazil, Nga, Ấn Độ và Anh.
Thủ tướng Anh cảnh báo người dân về sự lơ là cảnh giác với COVID-19
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại tại một số nước đã nới lỏng các biện pháp phòng ngừa, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định sự lơ là, chủ quan của người dân nhiều nước trong việc tuân thủ các hướng dẫn y tế phòng dịch, cũng như sự coi thường của giới trẻ là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng trở lại này.
Phát biểu ngày 26-6, Thủ tướng Johnson cho rằng ở nhiều nước nơi dịch bệnh vẫn còn hoành hành, có một bộ phận không nhỏ người dân không có ý thức tự giác tuân thủ các hướng dẫn y tế, tự do đi lại giữa đám đông mà không có các thiết bị bảo hộ (khẩu trang, găng tay...) và không đảm bảo giãn cách xã hội.
Ông nhấn mạnh đến ý thức của từng cá nhân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người có thể không bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh nhưng lại có thể là nguồn lây nhiễm tước đoạt sinh mệnh của người khác, đặc biệt những người cao tuổi. Do đó, Thủ tướng Anh kêu gọi mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác trong phòng và chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Dự kiến, Anh sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế tại xứ England, cho phép các quán bia, nhà hàng và quán rượu mở cửa trở lại từ ngày 4-7.
Anh hiện là nước chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nghiêm trọng thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Brazil, Nga và Ấn Độ.
Châu Âu chia rẽ về mở cửa biên giới cho các nước vẫn còn dịch COVID-19
Các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) đang chia rẽ về việc liệu có tiếp tục cấm du khách đến từ các nước đang chống chọi với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hay không trong bối cảnh EU dự định mở lại các đường biên giới châu Âu từ ngày 1-7.
Các phương tiện di chuyển qua cửa khẩu biên giới Ba Lan - Đức tại Lubieszyn, tây bắc Ba Lan. (Ảnh: PAP/TTXVN)
Sau một loạt các cuộc đàm phán kéo dài nhiều ngày qua, ngày 26-6, các nhà ngoại giao EU vẫn thống nhất được tiêu chí để mở lại biên giới, do một số nước lo ngại về độ chính xác con số lây nhiễm mà một số nước khác thông báo.
Tuy nhiên, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp và một số nước châu Âu khác vốn phụ thuộc vào ngành du lịch lại hy vọng vớt vát được phần nào, ít nhất là kỳ nghỉ Hè này và mở cửa cho du khách trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang rơi tự do.
Một nhà ngoại giao châu Âu nhận định những nước phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch, muốn mở cửa biên giới càng sớm càng tốt.
Kể từ giữa tháng Ba vừa qua, các hoạt động đi lại không thiết yếu tới EU đã bị cấm. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh thuyên giảm, ít nhất là ở châu Âu, nên các nước EU dự định từ ngày 1-7 sẽ bãi bỏ dần các biện pháp hạn chế đi lại được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Hy Lạp đã mở cửa trở lại các sân bay để đón du khách đến từ một vài nước ngoài châu Âu như Trung Quốc, Hàn Quốc trong khi các nước khác sẽ đưa ra quyết định của riêng mình.
Theo người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha Maria Jesus Montero, các nước thành viên EU cần đạt một thỏa thuận về vấn đề này để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Bà kêu gọi các nước nhanh chóng đạt được thỏa thuận về vấn đề này trước ngày 1-7.
Một số nước thành viên EU muốn hạn chế mở cửa đối với những nước mà tình hình dịch bệnh "khả quan hơn," tức là có số ca mắc COVID-19 từ 16 ca trở xuống/100.000 dân trong vòng hai tuần qua. Nếu tiêu chí này được thống nhất và nếu các nước thành viên nhất trí rằng báo cáo về số ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19 của các nước khác là chính xác thì du khách đến từ Mỹ, Brazil và Canada sẽ vẫn bị cấm nhập cảnh vào EU trong khi du khách đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Maroc, Venezuela, Ấn Độ, Cuba và các nước vùng Balkan được chào đón.
Tuy nhiên, tiêu chí dựa trên tình hình dịch bệnh này mâu thuẫn với địa chính trị, với một số nước miễn cưỡng cấm du khách Mỹ song lại đón chào du khách Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh. Mỹ hiện vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 với hơn 121.000 ca tử vong trong số 2.506.370 ca mắc bệnh trong khi châu Âu tin rằng họ đã vượt qua giai đoạn đỉnh dịch.
Đức: Thủ đô Berlin tiếp tục nới lỏng các quy định giãn cách xã hội
Sắc lệnh mới vừa được chính quyền bang Berlin thông qua cho biết kể từ ngày 27/6, các quy định về giãn cách xã hội vốn được áp dụng trong nhiều tuần qua nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm được hô hấp cấp COVID-19 tại thành phố thủ đô nước Đức này sẽ tiếp tục được nới lỏng.
Với sắc lệnh mới trên, chính quyền bang Berlin đã quyết định dỡ bỏ quy định về hạn chế tiếp xúc đối với người dân thủ đô. Theo đó, người dân cũng như các hộ gia đình được phép gặp gỡ hoặc tiếp xúc với nhau tại khu vực công cộng mà không bị giới hạn số lượng hay hộ gia đình như trước đây.
Tuy nhiên, giới chức thành phố cũng khuyến nghị người dân nên hạn chế tối đa các cuộc tiếp xúc cũng như thực hiện đúng quy tắc về giữ khoảng cách ít nhất 1,5m để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Ngoài ra, tất cả các cửa hàng kinh doanh với quy mô lớn nhỏ ở thủ đô Berlin cũng được phép mở cửa trở lại, song vẫn phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về vệ sinh cũng như yêu cầu các khách hàng khi mua sắm phải đeo khẩu trang.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Bên cạnh đó, sắc lệnh mới cũng quy định học sinh các cấp và sinh viên đại học ở thủ đô Berlin sẽ đi học bình thường sau kỳ nghỉ hè. Quy định về giữ khoảng cách 1,5m sẽ không áp dụng cho năm học mới 2020-2021 trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Người dân tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời sẽ không cần phải tuân thủ về quy tắc giữ khoảng cách.
Bên cạnh việc nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội, chính quyền bang Berlin vẫn tiếp tục duy trì một số biện pháp, trong đó yêu cầu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng cũng như cấm tổ chức các sự kiện lớn có sự tham gia của hơn 1.000 người từ nay đến ngày 31/8 và các sự kiện với hơn 5.000 người tham gia đến ngày 24-10.
Quyết định nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội của chính quyền bang Berlin được đưa ra trong bối cảnh thủ đô của Đức đang trở thành một trong những điểm nóng của dịch COVID-19.
Trong những ngày qua, giới chức thành phố đã phát hiện và phong tỏa một số tòa nhà chung cư có người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thủ đô Berlin, trong đó có khu vực gần các nhà ga Ostbahnhof và Neuköln. Được biết đây là khu vực tập trung đông người và xung quanh có nhiều cửa hàng, siêu thị bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân.
Trước đó, chính quyền bang Nordrhein-Westfalen, miền Tây nước này cũng đã phải áp đặt lại lệnh phong tỏa khu vực Gütersloh do phát hiện "ổ dịch" COVID-19 tại một nhà máy chế biến thịt tại đây sau khi phát hiện khoảng 1.500 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là khu vực đầu tiên ở Đức phải áp đặt lại lệnh phong tỏa sau khi nhà chức trách bắt đầu dần nới lỏng các biện pháp hạn chế vào cuối tháng Tư.
Mới đây, một "ổ dịch" COVID-19 khác cũng được phát hiện tại một nhà máy chế biến thịt lớn nhất ở bang Niedersachsen khi có hơn 700 ca nhiễm bệnh. Hiện nhà chức trách đã tiến hành phong tỏa và truy dấu các trường hợp tiếp xúc với những bệnh nhân mắc bệnh tại các khu vực quanh những ổ dịch này.
Argentina siết chặt biện pháp cách ly xã hội bắt buộc
Ngày 26/6, chính phủ Argentina đã quyết định siết chặt hơn nữa biện pháp giãn cách xã hội tại thủ đô Buenos Aires và các vùng đô thị bao quanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và số ca mắc tăng đột biến những tuần gần đây.
Thông báo của Tổng thống Alberto Fernandez cho biết chính phủ Argentina buộc phải quay lại những biện pháp mạnh như thời gian mới áp đặt lệnh cách ly xã hội hồi cuối tháng Ba và quyết định đóng toàn bộ khu vực đô thị Buenos Aires để ngăn chặn sự lây lan, giảm thiểu số ca mắc, cũng như nhu cầu sử dụng giường bệnh tại bệnh viện. Tổng thống cũng yêu cầu người dân tại khu vực trên phải ở trong nhà cho tới ngày 17-7.
Đây là lần gia hạn thứ 7 đối với biện pháp cách ly xã hội bắt buộc được bắt đầu từ hôm 20/3. Những tuần gần đây, sau khi biện pháp giãn cách xã hội từng bước được nới lỏng do nhu cầu hồi phục kinh tế, dịch COVID-19 đã diễn biến nghiêm trọng hơn do số lượng phương tiện và người lưu thông trên đường ở Buenos Aires đông đúc như giai đoạn trước cách ly. Người dân cũng bắt đầu tập trung đông tại những khu vực mua sắm được phép mở cửa và công viên. Đây cũng là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng đột biến những tuần gần đây.
Theo thống kê chính thức, đến nay Argentina đã ghi nhận 52.444 ca mắc COVID-19 với 1.167 trường hợp tử vong, trong đó 90% số ca mắc tập trung ở thủ đô Buenos Aires và tỉnh Buenos Aires. Dịch COVID-19 đang tác động mạnh tới nền kinh tế Argentina, vốn đang rơi vào vòng xoáy suy thoái kể từ năm 2018.
Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 10,4% trong quý I/2020. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Argentina sẽ suy giảm tới 9,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay.
UNICEF tích cực hỗ trợ hơn 100 nước ứng phó với đại dịch COVID-19
Tổng kết những đóng góp của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trong công tác phòng chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cơ quan này thông báo đã phân phối hàng cứu trợ đến hơn 100 nước cần hỗ trợ trong đại dịch.
Trong báo cáo ngày 26-6, UNICEF cho biết được ủng hộ của các nước đối tác, cơ quan này đã có thể cung cấp nhu yếu phẩm cũng như hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và cộng đồng yếu thế trong thời kỳ dịch bệnh, bất chấp những khó khăn về giao thông vận tải do COVID-19. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, UNICEF đã vận chuyển đồ bảo hộ cá nhân tới hơn 100 nước, bao gồm 7,5 triệu khẩu trang y tế, 2,8 triệu máy thở N95, gần 10 triệu đôi găng tay, hơn 830.000 áo choàng y tế và gần 600.000 tấm chắn mặt.
Ngoài ra, UNICEF còn chuyển hơn 550.000 bộ xét nghiệm tới các nước có dịch. Dự kiến, cơ quan này sẽ chuyển thêm 912.000 bộ xét nghiệm tới các nước cho đến hết tháng Tám tới, cùng 16.000 máy thở oxy tới 90 nước có thu nhập thấp và trung bình.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Nairobi, Kenya. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cũng trong báo cáo này, UNICEF đề cập đến vấn đề khó khăn trong vận tải hàng hóa, xuất phát từ hoạt động giao thông hàng không đình trệ do các biện pháp phong tỏa của các nước để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Thông thường từ tháng Ba đến tháng Năm, UNCEF thực hiện hơn 700 chuyến hàng vắcxin tới các nước. Tuy nhiên, năm nay, UNICEF mới chỉ chuyển được 391 chuyến hàng.
Để giải quyết vấn đề thách thức này, UNICEF kêu gọi chính phủ các nước, các doanh nghiệp tư nhân, ngành hàng không tìm ra giải pháp cho ngành vận tải hàng hóa, đặc biệt là các chuyến hàng vắcxin phòng bệnh.
Liên minh chống COVID-19 thúc đẩy sáng kiến hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình
Ngày 26-6, Liên minh Chống bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu, cho biết liên minh này cần tới 31,3 tỷ USD trong vòng 12 tháng tới để phát triển và tiến hành các thử nghiệm, điều trị cũng như vắcxin phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Đối tượng chính được thụ hưởng là các nước thu nhập thấp và trung bình trên toàn cầu.
Theo liên minh trên, tổ chức này đã nhận được 3,4 tỷ USD và còn thiếu 27,9 tỷ USD nữa, trong đó hơn 13 tỷ USD cần phải có gấp.
Trong một tuyên bố, liên minh cho biết sáng kiến của WHO là tăng quy mô xét nghiệm lên 500 triệu ca và 245 triệu đợt điều trị tại các nước có thu nhập thấp và trung bình vào giữa năm 2021 và nâng số liều vắcxin lên 2 tỷ, trong đó 1 tỷ liều được dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021.
Liên minh nêu rõ: "Tổng chi phí cho việc triển khai sáng kiến ACT-Accelerator chưa bằng 1/10 thiệt hại kinh tế toàn cầu mỗi tháng do tác động của dịch COVID-19 theo như ước tính của Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF)."
WHO đang hợp tác với một liên minh lớn gồm các tổ chức phát triển và phân phối thuốc trong khuôn khổ sáng kiến ACT-Accelarator được khởi xướng hồi tháng Tư nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị chống COVID-19.
Theo WHO và các tổ chức y tế toàn cầu, dịch bệnh nguy hiểm này vẫn là mối đe dọa cướp đi mạng sống của hàng triệu người và tác động mạnh đến nền kinh tế.
Theo TTXVN