Xe đưa đón lao động nhập cư đông đúc ở Thái Lan khiến nguy cơ lây nhiễm tăng cao. Ảnh: AP
Theo trang The Guardian (Anh), vào khoảng giữa tháng 5, khi các công nhân tại nhà máy Cal-Comp ở tỉnh Phetchaburi, miền trung Thái Lan, nghe tin một nhóm đồng nghiệp của họ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, họ chắc chắn virus SARS-CoV-2 đã xâm nhập vào các dây chuyền sản xuất. Ổ dịch liên quan đến nhà máy điện tử kể từ đó đã làm bùng phát hàng nghìn ca nhiễm.
Hwan Htet Paing, công nhân của nhà máy, cho biết anh không được thông báo về kết quả xét nghiệm COVID-19, nhưng anh đã được hướng dẫn cách ly bên trong một hội trường rộng lớn tại nơi làm việc. Paing ở đây trong 14 ngày.
Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia đã ngăn chặn được điều tồi tệ nhất của đại dịch vào năm ngoái, đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới, với nhiều biến chủng virus nguy hiểm hơn xuất hiện. Một số quốc gia trong khu vực, như Malaysia, Campuchia và Thái Lan, dịch bệnh đã bùng phát ở các khu công nghiệp lớn.
Đầu tháng này, Malaysia đã buộc phải đóng cửa nhiều khu công nghiệp khi các ca mắc hàng ngày vượt mức 9.000 trường hợp. Phần lớn các nhà máy sản xuất ở nước này vẫn được phép tiếp tục hoạt động với công suất hạn chế trong thời gian đóng cửa, bất chấp lo ngại lây lan dịch bệnh của các chuyên gia y tế. Vào hôm 11-6, trên 800 công nhân tại công ty sản xuất găng tay WRP đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Andy Hall, một chuyên gia về quyền của người lao động nhập cư cho biết: “Không may mắn, toàn bộ cơ cấu trong dây chuyền sản xuất và nhà máy này đều không có lợi trong việc ngăn chặn COVID-19”.
Nhu cầu gia tăng đối với một số loại hàng hóa trong thời kỳ đại dịch đã tạo thêm áp lực cho các chuỗi cung ứng. Nhiều sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu – như thiết bị công nghệ, máy in cho những người làm việc tại nhà, găng tay y tế cho y bác sĩ, thực phẩm đóng hộp cho những người tích trữ thực phẩm – đang có nhu cầu tăng cao.
Tại Thái Lan, công nhân tại hơn 130 nhà máy đã bị mắc COVID-19, theo một cuộc điều tra của Bộ Công nghiệp được báo chí Thái Lan đưa tin. Trong đó có Charoen Pokphand Foods, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Thái Lan.
Một khu chợ ở Bangkok được dọn dẹp sạch sẽ sau khi một công nhân xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ảnh: EPA
Ông Suthasinee Kaewleklai, điều phối viên Thái Lan của nhóm vận động Quyền của Người lao động Nhập cư, cho biết nhiều nhà máy bị ảnh hưởng bởi COVID-19 của đất nước có công nhân Campuchia và Myanmar làm việc, những người đặc biệt dễ bị tổn thương.
“Họ không có công đoàn hoặc liên đoàn lao động như công nhân Thái Lan. Họ không có đại diện để thương lượng những gì người sử dụng lao động cần đáp ứng cho họ”, ông Kaewleklai nói. Bên cạnh đó, điều kiện tại cơ sở cách ly của nhà máy Cal-Comp được cho là rất tồi tệ. Công nhân tại đây thường xuyên phàn nàn về việc thiếu điện và thực phẩm.
Nhiều công nhân khác của nhà máy được cách ly tại nhà. Chhuk Sophal, một công nhân Campuchia làm việc tại nhà máy Cal-Comp, đã tự cách ly hơn 2 tuần trong căn phòng trọ nhỏ của mình. Trong thời gian này, anh chủ yếu phụ thuộc vào các nhà tài trợ để có thức ăn. Người đàn ông cho biết nhà máy đã phân phát thực phẩm hỗ trợ cho anh, nhưng vẫn không đủ.
Nhà máy Cal-Comp và cơ quan chức năng tỉnh Phetchaburi đã không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Các công nhân cho biết Cal-Comp đã đưa ra các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ lây lan virus, nhưng trên thực tế, việc giãn cách xã hội tại môi trường làm việc đông đúc này là không thể.
Chhaeut SoPhally, một công nhân may mặc ở Campuchia, người đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây, cho biết ngay cả khi mọi người cố gắng giữ khoảng cách trong nhà máy, các đồng nghiệp của anh vẫn chen chúc nhau khi họ đến và về trên cùng một chiếc xe đưa đón. Đối với một số người, quãng đường đến nhà máy có thể mất hàng giờ.
Chhaeut đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau đợt bùng phát giữa các công nhân tại một nhà máy may mặc ở Kampong Chhnang, miền trung Campuchia. Ngay lập tức, anh được đưa đến một căn phòng riêng để chờ xe cấp cứu đưa anh đến cơ sở cách ly.
“Tôi lo lắng cho các con của mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu họ có kết quả dương tính và được điều trị ở một nơi khác. Nếu vợ tôi xét nghiệm dương tính thì sao? Ai sẽ chăm sóc các con của chúng tôi? ” anh nói.
Ngày hôm sau, nhà chức trách đã phong tỏa căn nhà trọ của Chhaeut. Vợ và các con của anh được yêu cầu cách ly tại nhà. Họ phải dựa vào những người hàng xóm để thức ăn bên ngoài cửa nhà hàng ngày. Chhaeut không chắc anh có được trả lương trong tháng này hay không.
Người dân xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Shutterstock
Đối với nhiều người, hậu quả kinh tế do đại dịch gây ra còn đáng sợ hơn virus. Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc ước tính rằng tình trạng nghèo đói sẽ gần như tăng gấp đôi ở Campuchia do đại dịch COVID-19, lan rộng tới 17,6% dân số.
Lĩnh vực may mặc của Campuchia đã rơi vào khủng hoảng khi đại dịch bùng phát. Nhiều công ty đột ngột bị hủy đơn đặt hàng. Ông Patrick Lee, một cố vấn pháp lý của Nhóm vận động Central, cho biết hơn 100 nhà máy đã đóng cửa vào năm ngoái và hơn 400 nhà máy khác thường xuyên bị đình chỉ hoạt động trong nhiều tháng. Một nghiên cứu cho thấy việc hủy đơn hàng đạt đỉnh điểm vào tháng 7 năm ngoái, nhưng hoạt động kinh doanh này bắt đầu khởi sắc trở lại khi các thương hiệu phương Tây tăng cường bán hàng trực tuyến.
Đợt bùng phát dịch bệnh gần đây ở Campuchia, bắt đầu từ tháng 4 và dẫn đến tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt, làm gián đoạn và một lần nữa gây áp lực lớn hơn cho những người nghèo nhất. Ông Lee cho biết luật pháp Campuchia không yêu cầu người sử dụng lao động phải trả đủ lương cho người lao động trong thời gian ngừng hoạt động. Theo khảo sát của Central liên quan đến công nhân tại 120 nhà máy, rất ít công ty có chính sách này.
Bên cạnh đó, do các ca bệnh gia tăng ở nhiều quốc gia trong khu vực, việc tiếp cận vaccine cũng bị hạn chế. Campuchia đã tiêm phòng đầy đủ cho gần 14% dân số, cao hơn nhiều so với các nước láng giềng, nhờ mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc.
Trong khi đó, Thái Lan mới triển khai chiến dịch tiêm vaccine vào ngày 7-6 và đã tiêm chủng đầy đủ cho ít hơn 2,5% dân số. Các nhà vận động đang kêu gọi các chính phủ đảm bảo cho người lao động nhập cư được tiếp cận vaccine bình đẳng, bao gồm cả những người nhập cư không có giấy tờ. Nhưng nhiều người lao động lo lắng sẽ bị phạt nếu họ không có giấy tờ hợp pháp.
Những người lao động nhập cư ở Malaysia cũng sợ điều tương tự sẽ xảy ra. Đặc biệt, các quan chức cho biết sẽ thực hiện các cuộc truy quét trong thời gian phong tỏa và gần đây đã tuyên bố sẽ trục xuất hàng nghìn người Indonesia.
“Việc ngăn chặn COVID-19 là không thể vì quá đông. Nếu chúng tôi có thể tiêm vaccine, chúng tôi sẽ bớt lo lắng hơn, chúng tôi sẽ được bảo vệ", Chhuk nói và cho biết khả năng anh được tiếp cận vaccine là khoảng 50%.
Theo HẢI VÂN (Báo Tin Tức)