Dịch COVID-19 xâm nhập trường học, học sinh ở Hà Tĩnh dừng học trực tiếp

08/11/2021 - 10:17

Sau gần 2 tháng tổ chức dạy học trực tiếp, nhiều trường học ở Hà Tĩnh đã phải ngừng học, chuyển sang hình thức học trực tuyến do dịch bệnh xâm nhập sâu vào trường học.

Tính từ ngày 4 đến 7-11, trong tổng số 54 ca mắc Covid -19 mới, Hà Tĩnh phát hiện 39 ca bệnh trong cộng đồng. Cá biệt, phần lớn các ca mắc mới được phát hiện trong cộng đồng đều liên quan chuỗi lây nhiễm từ các trường học.

 Hơn 40.000 học sinh nghỉ học trực tiếp

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hàng chục nghìn học sinh ở Hà Tĩnh buộc phải nghỉ học hoặc chuyển sang hình thức học trực tuyến. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Dương Thị Vân Anh, liên quan chùm ca bệnh tại các trường THPT: Kỳ Anh, Kỳ Lâm, trên địa bàn toàn huyện đã phát hiện 16 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống và ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, UBND huyện Kỳ Anh yêu cầu các phòng, ban, ngành, đoàn thể và các xã dừng các dịch vụ không thiết yếu để phòng dịch COVID-19. Các cơ sở giáo dục kể cả công lập và ngoài công lập trên địa bàn các xã liên quan chùm ca bệnh ở Trường THPT Kỳ Anh và Trường THPT Kỳ Lâm (Kỳ Châu, Kỳ Hải, Kỳ Thư, Kỳ Thọ, Kỳ Văn, Kỳ Tân, Lâm Hợp, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng) chuyển sang dạy học trực tuyến. Các trường mầm non nghỉ học; các trường trên địa bàn những xã còn lại vẫn tổ chức dạy học bình thường nhưng phải thực hiện nghiêm quy định an toàn, phòng dịch.

Huyện Kỳ Anh tổ chức test nhanh diện rộng cho học sinh các trường học trên địa bàn.

Tính đến chiều 7-11, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã truy vết được 683 trường hợp F1 và 3.297 F2 để cách ly, xét nghiệm và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, tính đến sáng 8-11, đã có 60 trường, với khoảng hơn 40.000 học sinh chuyển sang dạy học trực tuyến và rất nhiều trường học khối tiểu học, mầm non tạm nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.

Để bảo đảm chất lượng các buổi lên lớp cũng như công tác phòng dịch, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Tĩnh yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động dạy, học của cán bộ, giáo viên trong quá trình dạy học trực tuyến; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, nhất là thông báo rộng rãi cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh không đến trường và đưa học sinh đến trường nếu bản thân hoặc học sinh đang trong thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc có biểu hiện ho, sốt, khó thở, cảm cúm…

Dịch Covid-19 xâm nhập trường học, hàng chục nghìn học sinh ở Hà Tĩnh dừng học trực tiếp -0

 Thị xã Kỳ Anh phong tỏa tạm thời 7 khu vực để điều tra dịch tễ theo quy định.

Diễn biến dịch phức tạp

Liên quan các ca nhiễm cộng đồng được phát hiện tại thị xã Kỳ Anh, theo thông tin từ Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, ngay sau khi phát hiện các ca nhiễm mới trên địa bàn, doanh nghiệp đã yêu cầu gần 12.000 lao động di chuyển vào khu ký túc xá trước 21 giờ đêm 7-11 để thực hiện phương án “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn ở tại chỗ).

Công ty bố trí 8 khu ký túc xá (mỗi khu ký túc xá 5 tầng, 245 phòng) với gần 2.000 phòng cho tối đa 10.500 lao động của FHS và của các nhà thầu phụ có thể sử dụng sinh hoạt. Ngoài ra, các lao động đang ở khu ký túc xá gia đình nằm ngoài công ty (thuộc phường Kỳ Liên) sẽ được xe chuyên dụng của FHS đưa từ nơi ở đến nơi làm việc theo phương châm “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Tính đến chiều 7-11, thị xã Kỳ Anh đã tổ chức test nhanh hơn 5.200 mẫu cho các trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Đồng thời, tiến hành truy vết 577 trường hợp F1,  lấy 577 mẫu xét nghiệm PCR, trong đó 508 trường hợp đã có kết quả PCR âm tính, các trường hợp khác đang chờ kết quả; phong tỏa tạm thời tại 7 khu vực với 272 hộ, 967 nhân khẩu để điều tra dịch tễ theo quy định.

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch, tuy nhiên theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hà Tĩnh, tính chất dịch trên địa bàn khá phức tạp do các chuỗi lây nhiễm xuất phát trong trường học và trên địa bàn khu kinh tế, nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp lớn đang hoạt động.

Vì vậy các địa phương cần có giải pháp quyết liệt để khoanh vùng, dập dịch. Trước mắt cần khẩn trương tổ chức triển khai xét nghiệm theo quá trình truy vết, mở rộng xét nghiệm có trọng điểm, nhất là tổ chức sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao. Huy động sự tham gia có hiệu quả của hệ thống chính trị trong công tác giám sát người cách ly, theo dõi tại nhà, xác định mức độ tương tác của các ca bệnh để đưa ra phạm vi phong tỏa phù hợp.

Theo NGÔ TUẤN (Báo Nhân Dân)