Cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải công khai thông tin
Điều 49 Luật Các TCTD 2024 quy định, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của TCTD phải cung cấp cho TCTD các thông tin: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này; thông tin về người có liên quan; số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại TCTD đó; số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của người có liên quan của mình tại TCTD đó.
TCTD phải niêm yết, lưu giữ thông tin của các cổ đông này tại trụ sở chính của TCTD và gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước. Định kỳ hàng năm, TCTD công bố thông tin này với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của TCTD.
TCTD phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của TCTD và thông tin số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của TCTD trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày TCTD nhận được thông tin cung cấp. Đối tượng cung cấp, công bố công khai thông tin phải bảo đảm thông tin cung cấp, công bố công khai, trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp, công bố công khai thông tin đó.
Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông
So với quy định tại Luật Các TCTD 2010, Điều 63 Luật Các TCTD 2024 đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong TCTD. Cụ thể: Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% (trước đây là 15%) vốn điều lệ của một TCTD; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% (trước đây là 20%) vốn điều lệ của một TCTD. Đồng thời, cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một TCTD khác.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa sẽ do Chính phủ quy định cụ. Các cổ đông và người có liên quan đã sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho phép trước ngày 1/7/2024 được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật Các TCTD 2024, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Quy định trên được cho là hạn chế tình trạng sở hữu chéo, chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống các TCTD trở nên công khai, minh bạch và an toàn hơn.
Cấm bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay
Điều 15 Luật Các TCTD 2024 nghiêm cấm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Theo đó, hoạt động bán bảo hiểm sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.
Bổ sung quy định về xét duyệt các khoản vay tiêu dùng
Trước đây, Luật Các TCTD năm 2010 chưa có quy định cụ thể về các khoản vay có giá trị nhỏ. Tuy nhiên, tại Điều 102 Luật Các TCTD 2024 đã quy định rõ, các TCTD phải có tối thiểu thông tin về mục đích sử dụng vốn hợp pháp, khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cấp tín dụng đối với các khoản vay có mức giá trị nhỏ, như: Khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cấp tín dụng qua thẻ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; khoản cho thuê tài chính, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của TCTD phi ngân hàng; khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân; khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô.
Được chuyển nhượng tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ
Luật Các TCTD 2024 bổ sung quy định về chuyển nhượng tài sản bảo đảm tại Điều 200, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 theo Khoản 2, Điều 210. Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của TCTD, công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Đồng thời, không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản.
Quy định can thiệp sớm các tổ chức tín dụng yếu kém
Các TCTD được can thiệp sớm (lỗ lũy kế hơn 50% vốn điều lệ) sẽ được hỗ trợ bởi một số biện pháp như thay đổi cách tính số dự phòng rủi ro bằng tối đa số chênh lệch thu chi trong năm của TCTD. Đồng thời phải thuyết minh chi tiết số dự phòng thực tế và chênh lệch với số tối đa này trong báo cáo tài chính.
Quy định này không ảnh hưởng nhiều đến các ngân hàng niêm yết trên sàn hiện tại. Đồng thời, sẽ giúp các cơ quan quản lý và công chúng sớm nhận ra các rủi ro lớn thông qua báo cáo tài chính được công bố của các TCTD. Lãnh đạo của các ngân hàng đang gặp khó khăn phải chịu trách nhiệm cho hậu quả và giảm thiểu rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng, không sử dụng nguồn lực của Chính phủ hoặc của ngân hàng khác để giải quyết khó khăn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn đảm bảo ngăn chặn nguy cơ rút tiền gửi hàng loạt.
K.N