Điểm nhấn cải cách tư pháp

29/12/2021 - 07:01

 - Những năm gần đây, công tác cải cách tư pháp và cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp góp phần nâng cao vị thế của hệ thống tư pháp cả nước nói chung, ngành tư pháp An Giang nói riêng thu được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, hoạt động tư pháp, sự cần thiết phải đẩy mạnh cải cách tư pháp được nâng lên rõ rệt.

Năm 2021, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp triển khai thực hiện khá đồng bộ, kịp thời nhiệm vụ trọng tâm của ngành; sớm ban hành Chương trình công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025. Đến nay, đã triển khai và hoàn thành 219/238 nhiệm vụ (đạt 92% kế hoạch năm 2021, tăng 2% so cùng kỳ). Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh lập đề nghị, chấp thuận, điều chỉnh, bổ sung đề nghị xây  dựng 64 quyết định thuộc 14 lĩnh vực, trong đó có 4 quyết định lĩnh vực tư pháp. Đến nay, UBND tỉnh ban hành 50 quyết định (đạt 78,1%). Sở Tư pháp thẩm định 89 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; góp ý 137 dự thảo. HĐND và UBND cấp huyện ban hành 48 văn bản quy phạm pháp luật; Phòng Tư pháp tiếp nhận và thẩm định 51 dự thảo văn bản.

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước được tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, đổi mới, sáng tạo. Kết quả, hoàn thành xong và trước hạn tất cả nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, ngành và sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân... góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính tại An Giang, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước. Sở Tư pháp phối hợp Công an tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đăng ký hộ tịch, cấp thẻ căn cước công dân, hỗ trợ địa phương quá tải trong công tác đăng ký hộ tịch (liên quan đến việc cấp thẻ căn cước công dân).

Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp lý cho luật sư và các đối tượng liên quan năm 2021

Trong năm 2021, tỉnh triển khai đồng bộ nhiều văn bản quy phạm pháp luật  (lĩnh vực dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, môi trường, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng...). Đặc biệt, tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phòng, chống dịch COVID-19. Phối hợp tổ chức 11 lớp tập huấn, 6 buổi sinh hoạt “Ngày pháp luật” cho 1.237 lượt người tham dự; biên soạn, in ấn và cấp phát 21.178 tài liệu pháp luật. Sở Tư pháp phối hợp cơ quan liên quan biên soạn và phát sóng 22 tình huống pháp luật, 10 tình huống pháp luật mỗi tháng; tổ chức tọa đàm về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng thời, gửi 140.200 tin nhắn điện thoại nội dung về công tác bầu cử, chế tài hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 cho 37.400 thuê bao điện thoại. Sở, ban, ngành triển khai trên 9.100 cuộc tuyên truyền miệng, cho 328.209 lượt cán bộ và nhân dân trên địa bàn tham gia; tổ chức 116 cuộc thi cho 112.806 lượt người dự thi. Ở cấp huyện, đã triển khai 2.119 cuộc tuyên truyền miệng cho 89.073 lượt cán bộ và nhân dân trên địa bàn; tổ chức 11 cuộc thi cho 1.887 lượt người dự thi.

Bên cạnh đó, các cuộc thanh, kiểm tra bám sát theo nội dung chương trình, kế hoạch được duyệt; được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào lĩnh vực được dư luận quan tâm; kịp thời phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, từng bước nâng cao vị trí, vai trò của ngành tư pháp. Năm 2021, Sở Tư pháp triển khai 7 cuộc thanh tra đối với 11 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng 2 cuộc; tăng 4 cơ quan, tổ chức, đơn vị so với cùng kỳ năm 2020). Qua đó, ban hành 5 kết luận, phát hiện vi phạm đối với 3 tổ chức và 3 cá nhân. Về kinh tế, tổng số tiền vi phạm được kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 182 triệu đồng…

Năm 2022, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt đối với lĩnh vực, nội dung được phân công theo các đề án, chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt. Triển khai đầy đủ, đúng tiến độ công việc theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Xử lý vi phạm hành chính; ban hành Kế hoạch quản lý xử lý vi phạm hành chính năm 2022; phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức tập huấn về công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính cho sở, ngành và cấp huyện.

Tăng cường theo dõi, quản lý về hoạt động hành nghề của cá nhân, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; kiểm soát chặt chẽ đầu vào của cá nhân, tổ chức hành nghề lĩnh vực công chứng, luật sư, đấu giá tài sản... đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật. Triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra doanh nghiệp năm 2022; tập trung vào thanh tra chuyên ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của tỉnh, Bộ Tư pháp giao. Chú trọng hoạt động kiểm tra sau thanh tra; tăng cường thanh tra đột xuất…

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG