Điểm nhấn du lịch làng Chăm Đa Phước

15/05/2024 - 06:33

 - Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm An Giang sinh sống tập trung chủ yếu ở huyện An Phú, Châu Phú, TX. Tân Châu. Cùng với làng Chăm Châu Phong (xã Châu Phong, TX. Tân Châu), làng Chăm Đa Phước (thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) dần trở thành một trong những địa điểm du lịch (DL) cộng đồng nổi tiếng, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Từ nét văn hóa truyền thống

Làng Chăm Đa Phước hình thành khoảng 120 năm, tập trung tại ấp Hà Bao 2, dọc Quốc lộ 91C, nằm cặp theo dòng sông Hậu, tiếp giáp từ cầu Cồn Tiên hướng về trung tâm huyện An Phú. Nhờ giao thông thuận lợi, từ năm 1992, làng Chăm Đa Phước bắt đầu phát triển DL, trở thành điểm đến hấp dẫn.

Đến Đa Phước, du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng những thánh đường Hồi giáo uy nghiêm, thưởng thức món ăn với hương vị hấp dẫn, mà còn hiểu thêm về cảnh quan, nhà cửa có nét kiến trúc riêng. Đây là chốn dừng chân cuốn hút khi bước vào “cửa ngõ” An Phú.

Du khách, đặc biệt là khách nước ngoài thích thú với những trải nghiệm tại làng Chăm Đa Phước

Ghé thăm làng Chăm Đa Phước, chào đón bạn là những công trình thánh đường Hồi giáo uy nghi, lối kiến trúc và bài trí độc đáo. Trong đó, 2 công trình lớn nhất là thánh đường Masjid Al Ehsan và thánh đường Jamius Sunnah, đưa du khách đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Được xây dựng khang trang, tu bổ thường xuyên, 2 thánh đường là nơi sinh hoạt tín ngưỡng chung của cộng đồng đồng bào DTTS Chăm theo đạo Hồi.

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS Chăm thị trấn Đa Phước cũng là một trong những điểm nhấn thu hút du khách gần xa. Nếu như trước đây, sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ nội bộ cộng đồng, nay trở thành sản phẩm DL, được du khách ưa chuộng.

Sản phẩm may, đan, thêu, kết cườm trên trang phục truyền thống của phụ nữ Hồi giáo với những hoa văn, họa tiết tinh xảo, mang nét đẹp rất riêng. Tương tự, các món ăn truyền thống của người Chăm An Giang như tung lò mò (lạp xưởng bò), cà ri cơm nị, bánh bò nướng… cũng trở thành đặc sản phục vụ du khách.

Con người làm du lịch

Gần đây, đến với làng Chăm Đa Phước, du khách được tham quan, trải nghiệm mô hình làng bè đa sắc màu tại ngã ba sông Châu Đốc. Công trình thuộc ấp Phước Thọ và ấp Hà Bao 2. Các nhà bè trên sông được sắp xếp hợp lý hơn, sơn phủ màu sắc (đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím…) trông bắt mắt, nghệ thuật. Vào ban đêm, khu vực được tô điểm bằng đèn sáng rực rỡ. Nhìn từ TP. Châu Đốc, làng bè Đa Phước như thành phố nổi lung linh trên mặt nước.

Đặc biệt, thời gian gần đây, thị trấn Đa Phước còn nổi lên điểm nhấn DL văn hóa mới là chợ quê làng Chăm Đa Phước. Nằm phía sau Thánh đường Hồi giáo, mô hình chợ quê thuộc khu sinh thái Jiao Hary, do ông Abdul Alim làm chủ đầu tư, diện tích hơn 40.000m2.

Chợ có sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, hơn 60 gian hàng nông - lâm sản, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cùng các loại bánh truyền thống. Tiểu thương ở chợ quê phần lớn là người dân địa phương.

Theo ghi nhận, phiên chợ quê làng Chăm Đa Phước mở cửa đón nhận số lượng đến tham quan, mua sắm rất đông vào cuối tuần. Du khách được trải nghiệm, thưởng thức món ăn ngon, truyền thống của đồng bào DTTS Chăm, như: Cà ri bò, tung lò mò, bánh paykgah (bánh nhẫn), bánh saykya (bánh giàu)…

Ngoài ra, phiên chợ quê còn cung cấp sản phẩm thủ công do chính nghệ nhân người Chăm làm ra, để khách tham quan chiêm ngưỡng và mua sắm. Du khách còn được hóa thân thành người Chăm, trải nghiệm nét văn hóa truyền thống địa phương. Đồng thời, được chèo thuyền tham quan vườn trái cây, chèo kayak và thưởng thức cà-phê tại đảo cá chép…

Khám phá, trải nghiệm làng Chăm Đa Phước, du khách sẽ được hiểu thêm về nét văn hóa, đời sống của đồng bào DTTS địa phương. Lê Trung Dũng (du khách đến từ huyện Châu Phú) chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng trước sự thay đổi của làng Chăm Đa Phước thời gian gần đây. Tôi từng đến vài lần, nhưng chỉ chụp ảnh kỷ niệm cùng bạn bè, với những công trình kiến trúc. Hiện nay, tôi có thể tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động hơn, như: Chợ quê, thưởng thức món ăn ngon, mua sắm sản phẩm thổ cẩm độc đáo… Thời gian tới, sẽ thường xuyên rủ bạn bè đến đây để tham quan, DL”.

Ở làng Chăm Đa Phước, sau khi được hỗ trợ tham gia mô hình DL cộng đồng, cuộc sống của đồng bào DTTS  Chăm được nâng lên rõ rệt. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng có hoạt động phát triển DL địa phương, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp tàu DL chất lượng, đủ chuẩn, phục vụ tận tình chu đáo...

MINH ĐỨC