Điểm trái ngược trong xu hướng sinh con ở Việt Nam

30/08/2023 - 14:00

Phụ nữ vùng mức sinh thấp không chịu kết hôn, đẻ ít. Trong khi đó, ở vùng mức sinh cao, phụ nữ có xu hướng kết hôn sớm, đẻ dày.

Thông tin được ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, chia sẻ tại tọa đàm Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, do Viện Đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế, tổ chức ngày 30/8.

Theo Niên giám thống kê 2022 do Tổng cục Thống kê công bố, trong 6 vùng kinh tế trên cả nước, có 4 vùng có mức sinh cao hơn mức thay thế (có thể hiểu là mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh khoảng 2 con), bao gồm: Trung du miền núi phía Bắc là 2,4 con; Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung là 2,29 con; Tây Nguyên 2,31 con; Đồng bằng sông Hồng 2,17 con.

Hai vùng còn lại dưới mức sinh thay thế gồm Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ (chỉ 1,47 con). Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía Bắc) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là gần 1 con.

“Ở vùng mức sinh cao, xu hướng phụ nữ kết hôn sớm, đẻ sớm, đẻ dày; trong khi vùng mức sinh thấp thì phụ nữ không chịu kết hôn, kết hôn muộn, đẻ ít, đẻ thưa. Thực tế hệ quả của đẻ ít, đẻ nhiều đều không tốt cho mỗi cá nhân, gia đình, xã hội”, ông Mai Trung Sơn chia sẻ.

Tính theo đơn vị địa phương, TP.HCM là thành phố đông dân nhất cả nước (gần 9,5 triệu người), gấp 30 lần dân số Bắc Kạn (ít nhất), nhưng phụ nữ ở TP.HCM lại "lười" sinh nhất. Sơ bộ theo Niên giám thống kê 2022, mỗi phụ nữ ở TP.HCM chỉ sinh 1,39 con. Bạc Liêu, Bình Dương, Hậu Giang... đều có mức sinh dưới 1,6 con. Trong khi đó, ở Hà Tĩnh, mỗi phụ nữ sinh tới gần 2,9 con, cao nhất cả nước. 

Tuổi kết hôn lần đầu trung bình trên cả nước năm 2021 là 26,2 tuổi (cao hơn 0,5 tuổi so với năm 2020), nam giới kết hôn lần đầu ở tuổi 28,3 còn nữ là 24,1.

Phụ nữ ở khu vực có mức sinh thấp có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn. Ảnh: Medium

Ở vùng Đông Nam bộ (Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, TP.HCM...), nơi sinh con ít, đàn ông kết hôn khi gần 30 tuổi, nữ là hơn 26. TP.HCM là thành phố có độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình cao nhất, 29 tuổi. Trong đó, đàn ông TP.HCM kết hôn lần đầu ở tuổi 30,5; nữ là 27,5. 

Địa phương có độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình thấp nhất cả nước là Lai Châu, nơi có mức sinh là 2,63 con (cao gần nhất nước), là 21,6 tuổi.

Theo các chuyên gia, áp lực của công việc và cuộc sống khiến xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con, thậm chí không muốn sinh con, ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, với gánh nặng lớn về kinh tế cho mỗi gia đình, từ áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt đến chi phí nuôi dạy và chăm sóc con, chi phí giáo dục cao… đều làm hạn chế mức sinh.

"Mức sinh thấp kéo dài sẽ làm quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...", đại diện Tổng cục Dân số cho biết.   

Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, phá thai của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực

Ngoài vấn đề mức sinh, xu hướng sinh con, tại buổi tọa đàm ngày 30/8, các chuyên gia cũng bày tỏ lo lắng khi tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, phá thai của Việt Nam, ở mức cao. Một nguyên nhân được đưa ra đó là người dân khó tiếp cận dịch vụ, biện pháp kế hoạch hóa gia đình chưa thuận tiện, trong khi cơ quan quản lý khó khăn trong mua sắm thuốc, phương tiện tránh thai. 

Thống kê của Viện Guttmacher năm 2022 chia sẻ tại chương trình cho thấy hàng năm Việt Nam có khoảng 3,7 triệu phụ nữ mang thai; 2,1 triệu người mang thai ngoài ý muốn (gần 60% số ca mang thai), trong đó số phá thai rất lớn. Tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và phá thai của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia, Phillippines, Thái Lan. 

Theo các chuyên gia, hơn 40% phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng nhưng chưa được đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình, con số này với phụ nữ hiện đã kết hôn hoặc sống chung là 10,1%.

Chính nhu cầu không được đáp ứng này dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ phá thai cao. Họ lại sử dụng những biện pháp phòng tránh thai mang tính truyền thống và không đáng tin cậy (tính ngày, xuất tinh ngoài...). 

Trong khi đó, tác động kinh tế xã hội do mang thai ngoài ý muốn là rất lớn. Việt Nam phải chi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD/năm cho vấn đề này, bao gồm chi phí liên quan đến thuốc tránh thai, các ca phá thai, chăm sóc trực tiếp, nghỉ sinh…  

Theo Vietnamnet