Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 19-5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 4.884.738 ca, trong đó có 319.763 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.901.933 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 44.752 và 2.661.962 ca đang điều trị tích cực.
Thế giới tiếp tục xu thế hạ nhiệt, trong khi dịch vẫn diễn biến căng thẳng tại Mỹ, Nga và một loạt quốc gia Mỹ Latinh.
Người dân xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở Brussels, Bỉ ngày 11-5-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Mỹ: Tổng thống Trump dùng thuốc chống sốt rét để ngăn COVID-19
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18-5 (theo giờ địa phương) cho biết ông đang sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine, một phương pháp điều trị chưa được chứng minh đối với COVID-19. "Rất nhiều điều tốt đẹp đã xuất hiện về hydroxy. Rất nhiều điều tốt đẹp đã xuất hiện. Bạn có thể ngạc nhiên về số lượng người đang dùng nó, đặc biệt là các nhân viên ở tiền tuyến", ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng. "Tôi đang dùng nó - hydroxychloroquine, ngay bây giờ".
Tổng thống Trump cho biết ông không tin mình đã phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 nhưng quyết định dùng thuốc sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ Nhà Trắng. Ông cũng tuyên bố rằng các nhân viên thiết yếu, bao gồm bác sĩ và y tá, đang dùng thuốc hydroxchloroquine để ngăn ngừa mắc bệnh COVID-19.
Tổng thống Trump cho biết ông đang sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để ngăn mắc COVID-19. Ảnh: NBC News
Trước đó, Cơ quan Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cảnh báo chống lại việc sử dụng thuốc Hydroxchloroquine để điều trị COVID-19 bên ngoài bệnh viện do nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về tim. Hydroxchloroquine là một loại thuốc chống sốt rét thường dùng để điều trị bệnh lupus và thấp khớp. Tiến sĩ Vin Gupta, chuyên gia về phổi và chuyên gia chính sách y tế toàn cầu, cho biết hydroxychloroquine có thể gây rối loạn nhịp tim dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho biết: "Tôi vẫn ổn".
Đến 6 giờ sáng 19-5 (theo giờ VN), Mỹ ghi nhận 1.548.381 ca mắc COVID-19 (tăng 20.717 ca trong 24 giờ qua) và 91.857 ca tử vong (tăng 879 ca).
Mỹ Latinh dịch lây lan chóng mặt, Brazil vượt Anh, Italy
Tại châu Mỹ Latinh, dịch bệnh lây lan nhanh chóng đã khiến chính phủ các nước đẩy mạnh nhiều biện pháp phòng dịch. Honduras đã gia hạn lệnh giới nghiêm thêm 1 tuần. Đây là lần thứ 8 Honduras gia hạn biện pháp này kể từ lần đầu triển khai thực hiện lệnh giới nghiêm hồi giữa tháng Ba vừa qua. Bộ Nội vụ Ecuador thông báo mọi đối tượng nhập cảnh vào nước này phải xuất trình giấy xét nghiệm chứng minh âm tính được cấp trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay và quy định có hiệu lực từ ngày 21/5. El Salvadore ban bố tình trạng khẩn cấp để mở rộng các biện pháp phòng dịch COVID-19. Theo lệnh khẩn cấp có hiệu lực trong 1 tháng này, các trường học sẽ tiếp tục đóng cửa, hoạt động đi lại của người dân phải hạn chế trong khi cơ quan chính phủ được phép tăng các nguồn ngân cứu trợ trong tình huống khẩn cấp.
Brazil hiện là "điểm nóng" nhất tại Mỹ Latinh, với 13.130 ca mắc bệnh mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 254.220, vượt qua Italy và Anh trở thành quốc gia đứng số 4 thế giới về số ca COVID-19. Nước này cũng ghi nhận 16.792 ca tử vong, trong đó có 674 ca trong 24 giờ qua.
Sau Brazil, các nước Peru, Mexico, Chile đều chứng kiến số ca mắc bệnh trong ngày ở mức 4 con số, và hiện đã ghi nhận lần lượt 94.933, 49.219 và 46.059 ca COVID-19.
Nga đứng thứ ba thế giới về ca mắc COVID-19 trong ngày
Tại châu Âu, Nga vẫn là điểm nóng dịch lớn nhất. Ngày 18-5 nước này ghi nhận 8.926 trường hợp nhiễm virus đưa tổng số ca nhiễm lên 290.678 trường hợp, đứng ba thế giới về số ca nhiễm trong ngày sau Mỹ, Brazil. Đặc biệt, giới chức y tế Nga thông báo trường hợp một trẻ sơ sinh mắc bệnh COVID-19, chào đời tại thị trấn Beslan thuộc Bắc Ossetia và nhiễm virus từ người mẹ. Đây là trường hợp thứ ba trên thế giới mắc COVID-19 ngay từ khi lọt lòng.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga, 40,1% số ca nhiễm mới tại nước này không có biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, trong vòng 24 giờ qua có 2.722 người khỏi bệnh, đưa tổng số người bình phục được xuất viện lên 70.209; có thêm 91 ca tử vong, đưa tổng số tử vong lên 2.722 ca.
Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại ga tàu hỏa ở Moskva, Nga, ngày 15-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Italy chính thức mở cửa trở lại
Sau hơn 2 tháng phong tỏa nghiêm ngặt, ngày 18-5, Italy bắt đầu cho phép mở cửa trở lại các cửa hàng, cửa hiệu, quán bar, nhà hàng và các hiệu cắt tóc, làm đẹp trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, người dân đã được phép đi lại tự do trong phạm vi từng vùng, nhưng phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội như giữ khoảng cách ít nhất một mét và bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Chính phủ cũng khuyến cáo các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng trở lại nếu dịch COVID-19 không diễn biến theo chiều hướng tích cực.
Tại Vatican, Vương cung thánh đường Thánh Peter đã bắt đầu mở cửa để đón du khách. Các hoạt động thánh lễ cũng được nối lại khắp các nhà thờ ở Italy.
Cũng theo kế hoạch của Chính phủ Italy, các phòng tập thể hình, hồ bơi và các trung tâm thể thao sẽ được mở cửa trở lại vào ngày 25-5. Đến ngày 3-6, Italy sẽ cho phép du khách, công dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen tự do đi lại đến Italy và những người này sẽ không còn phải cách ly trong vòng 2 tuần. Ngoài ra, người dân Italy cũng sẽ được tự do đi lại giữa các vùng trên cả nước bắt đầu từ ngày 3-6. Đến ngày 15-6, các nhà hát và rạp chiếu phim sẽ được phép hoạt động trở lại. Đối với ngành giáo dục, các trường học sẽ vẫn chưa được mở cửa trở lại cho đến tháng 9 tới.
Một nhà hàng tại Rome, Italy mở cửa trở lại ngày 15-5-2020, sau hơn 2 tháng đóng cửa do dịch COVId-19. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Italy dự báo nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm 8% trong năm nay. Khoảng 10% số doanh nghiệp bán lẻ, tức khoảng 270.000 doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản, trong khi ở vùng Lombardy, khoảng 50% doanh nghiệp nhỏ có thể bị phá sản.
Bỉ: Số người tử vong cao nhất kể từ Thế chiến 2
Đại dịch COVID-19 khiến Bỉ ghi nhận số người tử vong tháng 4 vừa qua cao nhất trong các tháng 4 kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đây là kết quả nghiên cứu mới được Đại học VUB tại Brussels đưa ra trong bối cảnh Bỉ bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa.
Xịt nước sát khuẩn tay cho người dân tại Brussels, Bỉ ngày 11-5-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo kết quả nghiên cứu trên, tổng cộng 14.790 người đã tử vong tại Bỉ trong tháng 4 vừa qua, cao hơn nhiều so với số tử vong thông thường dưới 9.000 người trong các tháng 4. Đại học VUB nhấn mạnh tỷ lệ tử vong tại Bỉ cao khác thường, lên mức chưa từng có, đặc biệt trong thời gian từ ngày 1-12-4. Bỉ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, là một trong những nước có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao nhất thế giới. Số người mắc COVID-19 tại Bỉ đến 6 giờ sáng 19-5 (giờ VN) là 55.559, trong đó có 9.080 trường hợp tử vong.
Anh: Toàn bộ câu lạc bộ giải Ngoại hạng Anh tập luyện trở lại
Toàn bộ 20 câu lạc bộ bóng đá giải Ngoại hạng Anh ngày 18-5 đã bỏ phiếu nhất trí hoàn toàn trở lại lập luyện kể từ hôm nay, 19-5. Đây là bước đi đầu tiên hướng tới khởi động lại mùa giải 2019-2020, sớm nhất có thể từ ngày 12-6.
Cùng ngày, giới chức y tế Anh đã bổ sung thêm triệu chứng mất khứu giác và vị giác vào danh sách các triệu chứng chính thức khi mắc bệnh COVID-19. Trước đó, giới chuyên gia cảnh báo nhiều ca mắc COVID-19 có thể bị bỏ lọt nếu không có thêm các triệu chứng này trong khuyến cáo. Một nghiên cứu của Đại học London, công bố tuần trước, cho thấy số người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 bị mất khứu giác và vị giác cao gấp 3 lần so với những người có kết quả âm tính.
Tính đến 6 giờ sáng 19-5 (theo giờ VN), Anh ghi nhận 246.406 ca mắc COVID-19, trong đó có 34.796 trường hợp tử vong, cao thứ hai thế giới sau Mỹ.
Ấn Độ: Số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất
Tình hình dịch COVID-19 tại Ấn Độ tiếp tục diễn biến phức tạp, theo đó quốc gia Nam Á này ngày 18-5 ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 cao nhất trong một ngày sau khi phát hiện thêm 5.242 ca nhiễm trong 24 giờ qua.
Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình nước này cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đến nay là 100.340 người (tăng 4.642 ca trong 24 giờ qua), số ca tử vong là 3.156 người (tăng 131 ca).
Nhân viên y tế đóng dấu kiểm dịch cho người dân trở về từ Dubai tại sân bay ở Chennai, Ấn Độ ngày 9-5-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Ấn Độ bắt đầu áp dụng phong tỏa cả nước để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan từ ngày 25-3 vừa qua, sau đó gia hạn 3 lần, mới nhất là ngày 17-5 và có hiệu lực đến ngày 31-5, song nới lỏng nhiều hạn chế.
Khu vực Đông Nam Á với 3 điểm nóng
Chính phủ Indonesia ngày 18-5 cho biết đang triển khai chương trình kích thích kinh tế trị giá 641.170 tỷ rupiah (43 tỷ USD), lớn hơn khoản tiền được công bố trước đó, nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), cũng như các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Với quy mô của gói kích thích trên, dự kiến, thâm hụt ngân sách năm nay sẽ tăng lên mức 6,27% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn so với kế hoạch ban đầu là 5,07% GDP.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này đã ghi nhận thêm 205 ca mắc COVID-19 và 7 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại đây lên lần lượt là 12.718 và 831 ca.
Hải quân Singapore mở chiến dịch kiểm tra đề phòng lây nhiễm dịch COVID-19 trên các tàu hàng nước ngoài. Ảnh: Straits Times
Trong khi đó Bộ Y tế Singapore cho biết trong ngày 18-5 nước này ghi nhận 305 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 28.343. Con số ca bệnh mới thấp hơn trong ngày 18-5 một phần là do số lượng xét nghiệm được tiến hành ít hơn khi một phòng thí nghiệm tạm dừng hoạt động để xem xét lại quy trình sau sự cố hiệu chuẩn thiết bị trước đó. Phòng thí nghiệm này sẽ cần thời gian để tăng khả năng xét nghiệm.
Ngày 18-5, Thái Lan cùng ngày xác nhận 3 ca mắc COVID-19 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này bước vào giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch này. Hiện tại Thái Lan có tổng cộng 3.031 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.857 bệnh nhân đã bình phục, 118 người đang được điều trị và 56 trường hợp tử vong.
Các trung tâm mua sắm ở Thái Lan đông khách sau khi hoạt động trở lại từ ngày 17-5 trong giai đoạn 2 nới lỏng phong tỏa. Ảnh: Ngọc Quang – PV TTXVN tại Thái Lan
Hàn Quốc không cách ly bệnh nhân dương tính lần 2
Ngày 18-5, giới chức y tế Hàn Quốc thông báo sẽ bãi bỏ các biện pháp cách ly đối với các bệnh nhân COVID-19 có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh, do không phát hiện bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các trường hợp này có nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ không sử dụng thuật ngữ "tái nhiễm" đối với người dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 không có nguy cơ lây bệnh cho người khác. Tính đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận 447 ca dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2, chiếm 4,5% trong tổng cộng 11.065 ca mắc COVID-19 ở nước này.
Khu vực châu Phi: Phó Tổng thống Nam Sudan và phu nhân mắc COVID-19
Phó Tổng thống Nam Sudan Riek Machar ngày 18-5 thông báo ông đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Vợ ông là Angelina Teny, giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng cũng đã nhiễm virus. Ông Machar cho biết sẽ tự cách ly trong 14 ngày và thông báo sức khoẻ tốt, không có triệu chứng nhiễm bệnh. Nam Sudan hiện ghi nhận 282 ca COVID-19 và 4 trường hợp tử vong.
Ngày 18-5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định sẽ thúc đẩy một cuộc đánh giá độc lập về quy trình ứng phó với đại dịch COVID-19 của cơ quan này vào "thời điểm thích hợp sớm nhất". Tổng Giám đốc Ghebreyesus cũng cho rằng tất cả các quốc gia đều cần rút ra các bài học từ đại dịch lần này. Mỗi quốc gia, mỗi tổ chức đều phải đánh giá cách phản ứng và rút kinh nghiệm từ đó. WHO cam kết minh bạch, có trách nhiệm và không ngừng hoàn thiện.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc WHO cảnh báo nguy cơ từ dịch bệnh vẫn ở mức cao và con đường hướng tới mục tiêu kiểm soát dịch bệnh vẫn còn dài. Ở một số quốc gia, kết quả xét nghiệm huyết thanh học sơ bộ chỉ ra khoảng 20% dân số đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi tỷ lệ này là gần 10% ở hầu hết các nước
Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)