Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 20-9: Thế giới gần 31 triệu ca bệnh

20/09/2020 - 07:39

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng 20-9 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận gần 31 triệu ca bệnh COVID-19, trong đó có trên 960.000 ca tử vong.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 203.700 trường hợp tử vong trong tổng số trên 6,9 triệu ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 86.774 ca tử vong trên 5,3 triệu ca bệnh. Brazil đứng thứ ba với 136.532 ca tử vong trong số 4,5 triệu bệnh nhân.

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 282.000 người mắc COVID-19 và gần 5.000 ca tử vong.

Trong đó, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc nhất thế giới với 92.755 ca trong 24 giờ. Số ca tử vong trong 24 giờ qua ở Ấn Độ cũng cao nhất thế giới: 1.149 ca.

Đứng thứ hai và ba về ca mắc trong 24 giờ qua là Mỹ và Brazil, lần lượt là trên 37.000 và 30.806 ca.

Châu Á

Trung Quốc không có ca lây nhiễm trong cộng đồng

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 3-9. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 19/9, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc ghi nhận 14 ca nhiễm COVID-19 đều là các ca nhập cảnh, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo NHC, trong số các ca nhập cảnh mới có 6 ca ở tỉnh Quảng Đông, 2 ca ở thành phố Thượng Hải, 2 ca ở tỉnh Tứ Xuyên, 2 ca ở Thiểm Tây trong khi Liêu Ninh và Phúc Kiến, mỗi nơi có 1 ca. Không có ca tử vong mới nào do COVID-19 tại Trung Quốc.

Như vậy, Trung Quốc có tổng cộng 85.269 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong.

Hàn Quốc ghi nhận 110 ca nhiễm mới 

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan tại khu chợ ở Seoul ngày 18-8. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này có thêm 110 ca nhiễm mới (trong đó có 106 ca lây nhiễm trong cộng đồng) và 1 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 22.893 ca, trong đó có 378 ca tử vong.

Đây là ngày thứ 17 liên tiếp, Hàn Quốc có số ca nhiễm mới duy trì ở mức khoảng 100 ca, tuy nhiên số ca nhiễm trong cộng đồng chưa thuyên giảm ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận.

Nhật Bản nới lỏng giới hạn về số lượng khán giả thể thao 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 27-8. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế về số lượng khán giả tham dự các sự kiện thể thao và các sự kiện khác.

Theo đó, kể từ ngày 19-9, giới hạn về số lượng người tối đa được phép tham gia các sự kiện thể thao và các sự kiện khác sẽ được nâng lên trên 5.000 người đối với những địa điểm tổ chức có sức chứa trên 10.000 người. Các đơn vị tổ chức các sự kiện lớn, trong đó có các trận đấu bóng đá và bóng chày, sẽ được phép tiếp nhận số lượng khán giả tối đa tương đương 50% số ghế của địa điểm tổ chức.

Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ, khẳng định việc nới lỏng biện pháp hạn chế này là bước đi quan trọng hướng tới việc thiết lập trạng thái “bình thường mới” thông qua việc khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội song song với các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các đơn vị tổ chức và những người tham gia các sự kiện lớn cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh triệt để.

Cùng với việc nới lỏng hạn chế về số lượng khán giả tham gia các sự kiện thể thao, theo đài truyền hình NHK, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ đưa khu vực Tokyo vào danh sách các điểm đến được nhận trợ cấp của chính phủ theo chương trình kích cầu du lịch nội địa "Go To Travel" kể từ đầu tháng tới.

Đông Nam Á: Indonesia ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Makassar, Indonesia ngày 10-9. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 19-9, Indonesia tiếp tục là điểm nóng của dịch COVID-19 tại Đông Nam Á khi Bộ Y tế nước này ngày 19-9 thông báo có thêm 4.168 ca mắc, mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày.

Tính tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã lên tới 240.687 ca. Ngoài ra, nước này trong cùng ngày cũng ghi nhận thêm 112 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do dịch COVID-19 lên 9.448 người, cao nhất tại Đông Nam Á.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, tại Philippines, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo có 3.962 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19, đánh dấu ngày thứ 12 liên tiếp số ca nhiễm mới hằng ngày ở nước này ở mức trên 3.000 ca.

Theo đó, tổng số ca mắc COVID-19 ở Philippines đã lên tới 283.460 ca. Ngoài ra, đã có thêm 100 ca tử vong do dịch COVID-19 được ghi nhận, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên tổng cộng 4.930 ca.

Cảnh sát tuần tra để nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định duy trì quy định giãn cách xã hội 1m trên các phương tiện giao thông công cộng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19, đồng thời bác bỏ việc thu hẹp khoảng cách xuống còn 30cm.

Tại Myanmar, nước này ngày 19-9 ghi nhận 154 ca mắc mới, nâng tổng số ca lên 4.621. Với thêm 11 người tử vong trong ngày, Myanmar hiện có tổng số 75 ca tử vong vì COVID-19.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng chờ khám sức khỏe tại Yangon, Myanmar ngày 8-9. Ảnh: THX/TTXVN

Trong làn sóng dịch bệnh thứ hai bắt đầu từ 16-8, số ca lây nhiễm tăng hàng ngày ở Myanmar, đặc biệt là ở khu vực Yangon.

Để chữa trị cho số bệnh nhân ngày càng tăng, chính phủ Myanmar đã sắp xếp các bệnh viện tạm thời trong khu vực Yangon.

Châu Âu

Ba Lan ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong một ngày

Phun khử khuẩn xe tại Gdynia, Ba Lan. Ảnh: Reuters

Bộ Y tế Ba Lan thông báo có thêm 1.002 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này. Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 78.330 ca, trong khi số ca tử vong đã tăng thêm 12 ca lên 2.282 ca.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách Ba Lan đã siết chặt các biện pháp chống dịch, theo đó các bác sĩ bắc buộc phải gửi bệnh nhân đi xét nghiệm.

Ba Lan đã đóng cửa biên giới và ngừng tất cả các chuyến bay trong tháng 3 năm nay nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Tuy nhiên, nước này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó mở cửa trở lại tất cả các trung tâm mua sắm, khách sạn và nhà hàng kể từ tháng 5.

Ireland công bố ứng phó dịch bệnh cấp độ 3

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Dublin, Ireland ngày 19-4. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Ireland Micheal Martin đã ban bố lệnh ứng phó cấp độ 3 ở thủ đô Dublin nhằm ngăn chặn số ca COVID-19 đang gia tăng nhanh ở thành phố này trong vài tuần qua.

Ứng phó cấp độ 3, một cơ chế mới được chính phủ ban hành để áp dụng các biện pháp hạn chế tương ứng tùy theo mức độ rủi ro dịch bệnh khác nhau ở nước này, có hiệu lực từ nửa đêm 18/9 đến ngày 9/10. Theo đó, người dân sinh sống ở trong thủ đô Dublin không được phép rời khỏi thành phố, trong khi người dân bên ngoài không được phép tới đây du lịch, trừ những người phải đi làm và vì các mục đích quan trọng khác.

Toàn bộ các nhà bảo tàng trong nhà, rạp chiếu phim và các điểm văn hóa sẽ phải đóng cửa. Các quán cà phê, nhà hàng, trong đó có quán bar và câu lạc bộ phục vụ đồ ăn không được phép phục vụ thực khách bên trong song có thể phục vụ thực khách ở bên ngoài tối đa 15 người cũng như cung cấp dịch vụ giao đồ ăn hoặc mang đi. Những quán bar không phục vụ đồ ăn sẽ vẫn đóng cửa sau ngày 21/9, thời điểm những quán như vậy ở các vùng khác của Ireland sẽ được phép mở cửa trở lại lần đầu tiên sau khi bị đóng cửa kể từ giữa tháng 3.

Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 ở Dublin gia tăng mạnh. Theo số liệu của Bộ Y tế Ireland, trong số 2.626 ca mắc COVID-19 được ghi nhận ở Ireland trong 12 ngày qua, có tới 1.445 ca là ở Dublin. Vào thời điểm này, Ireland có tổng cộng 32.538 ca mắc COVID-19 trong đó có 1.792 ca tử vong.

Hà Lan và vùng Madrid (Tây Ban Nha) thông báo các biện pháp hạn chế mới 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Rotterdam, Hà Lan ngày 29-7. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Hà Lan đã công bố các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Cụ thể, các nhà hàng và quán bar phải đóng cửa vào lúc 1h (giờ địa phương); các cuộc tụ tập từ 50 người trở lên ở cả trong và ngoài trời đều bị cấm, song có một số trường hợp ngoại lệ như các cuộc tụ tập tôn giáo, tang lễ... Các biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 20-9.

Ngoài ra, 6 vùng ở nước này, trong đó có thành phố Amsterdam và Rotterdam đang áp dụng những biện pháp riêng phòng chống dịch bệnh.

Chính quyền vùng Madrid của Tây Ban Nha, cũng thông báo các biện pháp hạn chế mới, theo đó bắt đầu từ ngày 21-9, hoạt động di lại sẽ bị hạn chế ở 37 khu vực. Biện pháp này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 850.000 người dân ở thủ phủ vùng và các thị trấn phụ cận như Fuenlabrada, Humanes và Getafe. Các nhà hàng và quán bar sẽ chỉ hoạt động với 50% công suất và phải đóng cửa vào lúc 22h. Các công viên và vườn hoa công cộng sẽ vẫn bị đóng cửa. Các cuộc tụ tập sẽ bị hạn chế từ 6 người trở xuống.

Theo số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha, số ca nhiễm ở vùng Madrid nhìn chung vào khoảng 650 ca/100.000 người. Tuy nhiên, ở một số vùng bị ảnh hưởng của dịch bệnh, tỉ lệ này lên tới 1.200 ca//100.000 người. Trên toàn quốc, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 659.334 ca mắc COVID-19 và 30.495 ca tử vong.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp nhiễm virus SARS-CoV-2

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire phát biểu tại cuộc họp ở Paris ngày 15-9. Ảnh: AFP/TTXVN

Pháp thông báo Bộ trưởng Kinh tế nước này là Bruno Le Maire cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Tuy nhiên ông Maire không có biểu hiện mắc COVID-19, hiện tình trạng sức khỏe vẫn bình thường và ông vẫn có thể điều hành công việc từ nhà.

Châu Mỹ: Số ca nhiễm mới tại Canada tăng báo động

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Toronto, Canada ngày 18-6. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chức y tế Canada nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.

Mặc dù còn quá sớm để tuyên bố làn sóng dịch thứ hai, Giám đốc Cơ quan Y tế Cộng đồng Canada (PHAC), bà Theresa Tam cho biết số ca nhiễm mới tính theo ngày đang tăng với tốc độ đáng báo động. Theo bà Theresa Tam, ngoài việc người dân cần tăng cường ý thức cá nhân, đây là thời điểm các tỉnh cần áp dụng cách tiếp cận hướng vào các mục tiêu cụ thể để ngăn chặn dịch bùng phát ở địa phương.

Tỉnh Quebec điều 1.000 cảnh sát tới các quán bar trong toàn tỉnh vào 2 ngày cuối tuần, tập trung vào 8 khu vực, nơi số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng mạnh. Quebec có thể sẽ siết chặt hơn các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch nếu tình hình không có bước cải thiện.

Canada hiện có 142.774 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 9.211 trường hợp tử vong.

Theo THUỲ DƯƠNG (Báo Tin Tức)