Diễn biến dịch COVID-19 tại Nam Phi có thể hé lộ chương tiếp theo của đại dịch toàn cầu

03/05/2022 - 14:30

Các ca nhiễm mới COVID-19 đang tăng trở lại ở Nam Phi, trong bối cảnh các chuyên gia y tế đang nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân đứng đằng sau sự gia tăng này, được cho là do 2 dòng phụ mới BA.4 và BA.5 của chủng Omicron gây ra.


Kiểm tra thân nhiệt các học sinh trước khi vào lớp học ở thị trấn Langa, Cape Town, Nam Phi. (Ảnh: Reuters)

Việc số ca COVID-19 một lần nữa tăng trở lại ở Nam Phi đang được các chuyên gia y tế công cộng theo dõi chặt chẽ, trước khả năng đợt lây nhiễm này có thể hé lộ chương tiếp theo của đại dịch trên toàn cầu.

Số ca mắc COVID-19 tại Nam Phi đã giảm mạnh sau khi đạt đỉnh trong làn sóng Omicron hồi tháng 12 năm ngoái. Nhưng trong tuần qua, các ca bệnh đã tăng gấp 3 lần, cùng số ca nhập viện cũng tăng lên, khiến giới chức y tế nước này lo ngại Nam Phi có thể sớm phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ năm.

Theo đó, trung bình có 4.693 ca mắc mới mỗi ngày được ghi nhận ở Nam Phi trong tuần trước. Số ca mắc đã tăng mạnh tới 259% so với mức trung bình cách đây 2 tuần. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng 18%.

Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng đột biến này có liên quan đến 2 dòng phụ BA.4 và BA.5 của chủng Omicron, vốn được cho có khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch cùng tốc độ lây lan cao hơn, từ đó có nguy cơ gây ra 1 làn sóng lây nhiễm mới.

Hiện các chuyên gia đang theo dõi chặt chẽ diễn biến lây lan của 2 biến thể phụ mới này tại Nam Phi, cũng như đánh giá tác động của các dòng phụ mới này đối với nguy cơ lây nhiễm ra toàn thế giới, giống như diễn biến của làn sóng Omicron trước đây.

Tiến sĩ Tulio de Oliveira, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và đổi mới giải trình tự gene KwaZulu-Natal của Nam Phi nói, BA.4 và BA.5 cho thấy cách mà virus SARS-CoV-2 đã biến đổi như thế nào khi khả năng miễn dịch trong cộng đồng tăng lên trên toàn cầu.

Theo Tiến sĩ de Oliveira, đây không phải là những biến thể hoàn toàn mới đang xuất hiện, mà là những biến thể vốn đã tồn tại hiện đang bắt đầu biến đổi để sản sinh ra các dòng phụ của chính mình.

Kể từ khi được xác định ban đầu ở Nam Phi và Botswana vào tháng 11 năm ngoái, chính biến chủng Omicron đã sản sinh ra một số “biến thể con” khác, bao gồm cả BA.4 và BA.5.

Các nhà khoa học đang tìm hiểu xem BA.4 và BA.5, vốn đang khiến số ca mắc mới tăng đột biến ở Nam Phi, có tác động gì đến khả năng miễn dịch có được sau khi phục hồi sau nhiễm bệnh do chủng Omicron trước đây hay không.

Ở Nam Phi, các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 90% dân số có khả năng miễn dịch, một phần là do được tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhưng phần lớn là do cơ thể đã sản sinh ra kháng thể sau khi phục hồi từ việc bị nhiễm bệnh trước đó.

Tuy nhiên, khả năng miễn dịch thường bắt đầu suy yếu sau khoảng 3 tháng. Do đó, theo Tiến sĩ Ali Mokdad, nhà dịch tễ học tại Đại học Washington, cần theo dõi việc tái nhiễm ở giai đoạn này, đặc biệt là khi người dân đã thay đổi hành vi, chẳng hạn như ít đeo khẩu trang hơn và đi du lịch nhiều hơn.

Tiến sĩ de Oliveira cho biết, các dữ liệu cho thấy rằng ở những người chưa được tiêm chủng, BA.4 và BA.5 trốn tránh hệ thống miễn dịch tự nhiên có được sau khi khỏi COVID-19 do nhiễm biến thể gốc Omicron, còn được gọi là BA.1. Kết quả là gây ra nhiễm bệnh có triệu chứng với các biến thể phụ mới. Đó có thể là lý do dẫn đến 1 làn sóng lây nhiễm mới ở Nam Phi, theo Tiến sĩ de Oliveira.

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu xem liệu làn sóng mới này có gây ra tình trạng bệnh nhẹ hơn hay nặng hơn hay không, và vẫn chưa rõ liệu 2 biến thể phụ mới có làm gia tăng các ca nhiễm ở những khu vực khác trên thế giới hay không.

Tiến sĩ Kavita Patel, người từng lãnh đạo chương trình ứng phó virus H1N1 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, các mô hình quen thuộc như quy luật 1 làn sóng lây nhiễm ở nước này có thể gây ra làn sóng ở nước khác không còn hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, việc giám sát các diễn biến và dữ liệu từ các quốc gia như Nam Phi cung cấp các thông tin đáng tin cậy để hiểu thêm về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2.

Hiện tại, một biến thể phụ khác của Omicron - “Omicron tàng hình” BA.2 đang chiếm ưu thế ở Mỹ, song song với tốc độ gia tăng các ca mắc dòng phụ BA.2.12.1. Tuy vậy, giới chức y tế nước này đã xác định BA.4 và BA.5 hiện lưu hành ở mức thấp tại Mỹ.

Hiện Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong đại dịch, đến nay ghi nhận hơn 83,1 triệu ca mắc và trên 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới - với 43 triệu ca và 523.869 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 30,4 triệu ca bệnh, nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong với 663.657 ca.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 3/5 (giờ Việt Nam), thế giới đã gần chạm mốc 514 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 6,2 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 468,5 triệu người, trong khi vẫn còn 39,1 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Theo TRUNG HƯNG (Nhân dân)