Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: AFP/TTXVN
Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Kazakhstan, ông Erdogan nhấn mạnh ông tin rằng một nền hòa bình công bằng, phù hợp với cả hai bên là điều có thể.
Mặc dù vậy, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng ông Erdogan không thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột đã kéo dài 28 tháng này.
“Không, điều đó là không thể”, hãng thông tấn Tass của Nga dẫn câu trả lời của ông Peskov khi được hỏi liệu Tổng thống Erdogan có thể đảm nhiệm vai trò này không.
Nguồn tin không giải thích lý do tại sao Điện Kremlin phản đối đề xuất của ông Erdogan.
Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề - gồm cuộc chiến ở Gaza và các cách thức chấm dứt xung đột ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Song không giống với các nhà lãnh đạo NATO khác, đều áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moskva, ông Erdogan đã cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraine trong suốt cuộc xung đột.
Thổ Nhĩ Kỳ từng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận vận chuyển an toàn ngũ cốc từ các cảng Biển Đen. Thỏa thuận này có hiệu lực trong một năm.
Về phần mình, Kiev không loại trừ các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai với Moskva, nhưng nhấn mạnh chúng chỉ có thể được tổ chức thông qua các bên trung gian. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gợi ý rằng định dạng được sử dụng để làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen năm 2022 có thể hữu ích cho mục đích này.
Ông đề xuất rằng các quốc gia khác có thể được mời làm trung gian: "Không ai được nói rằng quá trình này chỉ có châu Âu và Mỹ", nhấn mạnh rằng các quốc gia từ châu Á, châu Phi và Nam Mỹ cũng nên tham gia và giúp chuẩn bị các tài liệu đề xuất hoà bình giữa Nga và Ukraine.
“Cho đến nay, chỉ có mô hình này”, ông Zelensky khẳng định, đồng thời lưu ý thêm rằng thỏa thuận cuối cùng phải phù hợp với Kiev và dựa trên các điều khoản của Ukraine.
Tổng thống Zelensky từ lâu đã tìm cách thúc đẩy “công thức hòa bình” 10 điểm, gần đây nhất là trong hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ vào ngày 15-16/6, sự kiện mà Nga không tham dự.
Điện Kremlin đã bác bỏ các điều khoản của ông Zelensky, nhấn mạnh rằng tình trạng của các vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga là không thể thương lượng. Tổng thống Putin nói rằng Ukraine cũng phải từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO và trở thành quốc gia trung lập, cũng như giảm quy mô của quân đội.
Mặc dù bác bỏ các điều khoản của Nga, Kiev gần đây đã ra tín hiệu sẵn sàng chấm dứt giao tranh. Vào tháng 6, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Igor Zhovkva cho biết nước này muốn hòa bình càng sớm càng tốt. Tổng thống Zelensky cũng nói vào tuần trước rằng Kiev không muốn kéo dài xung đột hay khiến xung đột kéo dài trong nhiều năm.
Theo Báo Tin Tức