Diện mạo mới Trung tâm đặc sản Việt Nam - Du lịch - Nông nghiệp (Siêu thị Tứ Sơn)

26/08/2024 - 05:55

 - Sau hơn 10 năm ấp ủ, tâm huyết hình thành trung tâm thương mại và khu đặc sản vùng miền Việt Nam với nhiều nét riêng đặc sắc. Đến nay, dự án do Công ty TNHH Tứ Sơn Châu Đốc làm chủ đầu tư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng sau gần 3 năm xây dựng, tại số 103, đường Nguyễn Tri Phương, phường Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang).

Trung tâm đặc sản Việt Nam được xây dựng trên diện tích hơn 30.000m2, với tổng vốn xây dựng hơn 96 tỷ đồng, nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch (DL), thúc đẩy DL, kinh tế An Giang phát triển. Trung tâm gồm các khu chức năng, như: Khu đặc sản vùng miền Việt Nam, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) các tỉnh, thành; khu phố đi bộ về đêm tổng hợp, phố hàng rong; khu cửa hàng sản phẩm dịch vụ DL, khu ẩm thực Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, khu bán các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp và khu tổ chức sự kiện...

Trung tâm đặc sản Việt Nam xây dựng, đi vào hoạt động tập hợp đặc sản vùng miền, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP… sẽ tạo ra sản phẩm DL tiêu dùng phục vụ cho phát triển DL, giữ chân du khách khi đến An Giang.

Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn chia sẻ: “Đối với dự án OCOP và đặc sản vùng miền, đây là tâm huyết, mong muốn và khao khát của Siêu thị Tứ Sơn từ rất lâu. Bởi chúng tôi nghĩ, không có gì tự hào hơn việc “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và mỗi vùng miền của Việt Nam đều có những nét đặc trưng hàng hóa, lồng ghép vào tính văn hóa ẩm thực và đều khác biệt nhau tạo sản phẩm đa dạng phong phú.

Chính vì điều này, đã tôn tạo văn hóa ẩm thực, văn hóa tiêu dùng người Việt Nam đa dạng và khác biệt. Siêu thị Tứ Sơn cảm thấy rằng đây là một chiến lược trong kinh doanh, là sự đam mê của Siêu thị Tứ Sơn”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Chu Thị Thu Hương biểu dương Siêu thị Tứ Sơn thực hiện tốt các quy định về kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Năm 2016, chính thức siêu thị có giấy phép đầu tư về dự án, tuy nhiên những năm tiếp theo do tình hình khó khăn chung nên dừng lại. Dự án chính thức bắt đầu tái khởi động lại năm 2021 và hôm nay đã hoàn thành.

Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết: “Chúng tôi nhận thấy, không nơi nào có tiềm năng khách xu hướng tăng hàng năm như Châu Đốc - An Giang. Ngoài miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, An Giang là tỉnh đa sắc tộc, đa tôn giáo, vì thế lễ, Tết diễn ra quanh năm, kéo theo lượng người về rất đông, thậm chí có sự kiện An Giang thu hút gần 10.000 lượt người.

Vùng Châu Đốc - An Giang là vùng tâm linh, hàng năm khách DL các nơi đổ về rất nhiều. Nếu khách hàng đến với Siêu thị Tứ Sơn Châu Đốc - An Giang, khách DL có thể tìm được những dòng sản phẩm mang nét đặc trưng nổi tiếng của từng vùng Việt Nam, mà chẳng cần phải đi đâu xa.

Hiện nay, có trên 36 tỉnh, thành phố có hàng hóa mang tính chất đặc trưng nổi tiếng các địa phương đã có mặt tại Siêu thị Tứ Sơn. Đây là quá trình, kết quả xuyên suốt trên 15 năm Siêu thị Tứ Sơn đã đi từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam để xem xét, lựa chọn sản phẩm, đưa về Siêu thị Tứ Sơn.

Ông Sơn chia sẻ: “Trong quá trình hình thành và phát triển, xây dựng để đi đến hoàn thiện ngày hôm nay, tuy gặp rất nhiều gian nan, khó khăn, nhưng nếu không có sự đồng hành của chính quyền địa phương, sự đồng hành của các sở, ban, ngành tỉnh, có lẽ đến hôm nay cũng chưa được hoàn thiện”.

Bên cạnh tâm huyết mang đặc sản vùng miền phục vụ khách DL, Siêu thị Tứ Sơn luôn đến với người tiêu dùng bằng nghệ thuật, chứ không bằng thủ thuật. “Tôi tâm huyết hình thành dự án này để du khách đến với An Giang - Châu Đốc có nơi trải nghiệm, tham quan, mua sắm đúng nghĩa, xứng tầm với vùng đất và lợi thế trên” - ông Tạ Minh Sơn chia sẻ.

“Từ khi Siêu thị Tứ Sơn chuyển qua siêu thị mới (số 103, Nguyễn Tri Phương, TP. Châu Đốc, ngang siêu thị cũ) với trên 350 sản phẩm OCOP cả nước tụ hội về đây. Siêu thị Tứ Sơn nhận thấy rằng, các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền đang có xu hướng tiêu thụ tích cực và được người tiêu dùng chấp nhận. Điển hình là những sản phẩm bánh cốm, bánh dẻo của tỉnh Thái Bình; bánh tráng, muối của tỉnh Tây Ninh; các sản phẩm sen của tỉnh Đồng Tháp… đang tiêu thụ mạnh”- ông Sơn cho biết thêm.

Trung tâm đặc sản Việt Nam-Du lịch-Nông nghiệp (Siêu thị Tứ Sơn)

Trung tâm đặc sản Việt Nam tọa lạc trên diện tích 30.000m2, với diện tích xây dựng 16.800m2. Kinh phí xây dựng gần 96 tỷ đồng và còn rất nhiều hạng mục sẽ được triển khai thi công trong thời gian tới, để phục vụ du khách. Nơi đây để du khách không những đến tham quan mua sắm mà có thể đến chụp hình “check-in” lưu lại những kỷ niệm, hình ảnh đẹp vùng đất An Giang này.

“Bắt nhịp xu hướng phát triển hiện nay, mục tiêu và sắp tới, Siêu thị Tứ Sơn còn định hướng phát triển kinh tế đêm. Ban đêm Trung tâm đặc sản Việt Nam sẽ trở thành phố đi bộ mang tính chất giải trí và ẩm thực… Kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra thêm sản phẩm DL, thúc đẩy ngành DL An Giang phát triển khi đi vào hoạt động”- ông Tạ Minh Sơn cho biết.

HẠNH CHÂU