Đỉnh núi Everest được biết đến là nơi cao nhất thế giới (Ảnh: AP).
Trong kho tàng tri thức của nhân loại, không ai là không biết rằng đỉnh Everest - viên ngọc quý trên dãy núi Himalaya của Nepal, là ngọn núi cao nhất thế giới. Sự thật về đỉnh núi này cũng như Neil Armstrong là người đầu tiên đi bộ trên Mặt Trăng, hay cá voi xanh là loài động vật lớn nhất trên Trái Đất.
Tuy nhiên theo một góc nhìn khác, các đỉnh núi nằm ngoài Everest hoàn toàn cũng có thể được coi là cao nhất Trái Đất. Tại sao lại như vậy?
Mực nước biển chỉ là một thước đo không cố định
Các nhà nghiên cứu đã đo chiều cao của đỉnh Everest nhiều lần trong vài thập kỷ qua. Nhưng theo đánh giá mới nhất được công bố vào tháng 11/2021, đỉnh Everest nằm ở độ cao 8,85 km so với mực nước biển.
Đó là một độ cao khá ấn tượng, nhưng hay đặt ra một câu hỏi: Tại sao chúng ta lại sử dụng "trên mực nước biển" khi xác định đỉnh núi cao nhất thế giới?
"Để có thể so sánh được trong các phép đo, cần phải có một đường cơ sở nhất quán", Martin Price, giáo sư và giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Núi tại Đại học Cao nguyên và Quần đảo ở Scotland cho biết.
Phần lớn ngọn núi Mauna Kea nằm ẩn dưới mực nước biển (Ảnh: Imgur).
Theo lý giải của giáo sư, trong lịch sử và thậm chí là bây giờ, độ cao thường được xác định là khoảng cách so với mực nước biển. Tuy nhiên, điều này liên quan đến mực nước biển trung bình tiêu chuẩn, phải được xác định rõ ràng.
Trong khi đó, mực nước biển lại khá chênh lệch ở các khu vực khác nhau và chúng đang thay đổi do biến đổi khí hậu.
Kết quả là, chúng ta có thể sẽ phải thay đổi thước đo tiêu chuẩn. Thí dụ như điều gì sẽ xảy ra nếu các phép đo chỉ đơn giản là được thực hiện từ chân núi đến đỉnh núi? Liệu Everest sẽ vẫn đứng đầu bảng xếp hạng?
Câu trả lời là "Không". Vinh dự đó sẽ thuộc về Mauna Kea, một ngọn núi lửa không còn hoạt động ở Hawaii.
Mặc dù đỉnh của nó chỉ cao 4,2 km so với mực nước biển - chưa bằng một nửa chiều cao của Everest, theo National Geographic. Tuy nhiên, phần lớn ngọn núi Mauna Kea nằm ẩn dưới mực nước biển. Nếu đo từ chân đến đỉnh, Mauna Kea cao tới 10,2 km, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ.
Trái Đất không tròn
Vị trí của ngọn núi cũng sẽ ảnh hưởng tới chiều cao của chúng?
Một ứng cử viên khác, núi Chimborazo ở Ecuador, lại tự hào là nơi có khoảng cách điểm xa nhất so với trung tâm Trái Đất. Trên thực tế, Chimborazo không phải là ngọn núi cao nhất trong dãy Andes - nó thậm chí không nằm trong top 30, nhưng vị trí gần xích đạo của nó là điều tạo nên sự khác biệt.
Như chúng ta đã biết, Trái Đất không phải là một hình cầu hoàn hảo, mà phình ra dọc theo đường xích đạo. Đây là hệ quả của lực tạo ra bởi chuyển động quay của Trái Đất. Điều đó nghĩa là có tồn tại sự khác biệt từ một vị trí trên bề mặt tới trung tâm của Trái Đất ở các vị trí khác nhau. Chênh lệch lớn nhất là ở 2 đầu địa cực, so với vùng xích đạo.
Theo cách đối chiếu này, không phải Everest, mà Chimborazo mới là đỉnh núi cao nhất thế giới, khi nó nằm ở khoảng cách xấp xỉ 6384 km từ tâm của Trái Đất, gấp tới 3 lần so với Everest (2072 km).
Vậy, ngọn núi nào trong số ba ứng cử viên sẽ giành giải Nhất? Theo giáo sư Price, "tất cả chỉ là vấn đề về quan điểm dựa trên đánh giá".
Theo MINH KHÔI (Dân Trí)