Học sinh quận 5 tham gia các hoạt động văn hóa dân gian tại Ngày hội học sinh tiểu học 2018. Ảnh: THU TÂM
Một số năm qua và thời gian gần đây với sự bùng nổ của số người sử dụng Internet và điện thoại thông minh, cũng là thời gian mà những hình ảnh bạo lực lan tràn trên các kênh YouTube, Facebook, vô hình trung lại là sự kích thích một lối sống không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, chạy theo các giá trị ảo và có nguy cơ hình thành trào lưu mới về cách sống thiếu tích cực nhưng lại được nhiều người trong giới trẻ học đòi và cổ súy.
Những vụ bạo lực học đường xảy ra thường xuyên hơn. Một nhóm đánh bạn, quay video rồi tung lên mạng xã hội để thỏa mãn máu giang hồ yêng hùng của mình. Một thanh niên sống bằng nghề cờ bạc, lô đề với những hành động, phát ngôn ngông cuồng lại được cổ súy, chia sẻ để thỏa mãn tính hiếu kỳ, vô hình trung tiếp tay cho một lối sống thiếu lành mạnh.
Những vấn đề ngày hôm nay, từ lâu đã được các nhà nghiên cứu xã hội cảnh báo: khi nền kinh tế mở của hội nhập, đời sống của đa số người dân nâng lên, cũng là lúc mà đất nước sẽ chịu tác động của việc du nhập thói hư tật xấu từ bên ngoài và lan truyền trong cuộc sống, mà chưa có những liều thuốc miễn dịch hiệu quả. Thói hư tật xấu, bạo lực trong xã hội diễn ra không chỉ ở các thành phố lớn, mà có cả ở những vùng thôn quê hẻo lánh.
Đi tìm hiểu nguyên nhân của xu hướng bạo lực trong xã hội và đặc biệt trong học đường, có nguồn gốc từ gia đình, xã hội và giáo dục. Những vụ bạo lực trong học đường thường diễn ra ở học sinh lứa tuổi từ 13 đến 16 - giai đoạn các em có tâm sinh lý chưa ổn định, muốn khẳng định mình, vừa muốn bắt chước nhưng cũng vừa không muốn lệ thuộc và trạng thái bùng nổ nóng giận dễ xảy ra, bất tuân luật pháp.
Có thể nói, giáo dục giá trị đúng cho mọi người có tầm quan trọng đặc biệt để người ta hiểu biết đâu là giá trị một con người, biết lẽ phải, trung thực, liêm chính, yêu công lý, tôn trọng luật pháp, có trái tim nhân hậu và bao dung, tôn trọng quyền của người khác...
Một đứa trẻ sinh ra không thể là một người ác độc trong tương lai nếu được sống trong môi trường gia đình êm ấm, đùm bọc lẫn nhau, đi học được giáo dục tử tế và lớn lên không phải chứng kiến những cảnh bạo lực trong xã hội, việc vi phạm pháp luật của người khác, những bất công trong xã hội... Nhân cách của một con người chịu ảnh hưởng của một thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục rất rõ ràng.
Nhớ lại mỗi thời kỳ phát triển của đất nước trước đây, dưới thời phong kiến, mô hình người “quân tử” trung quân ái quốc đã khiến cho nhiều trai tráng nhiệt huyết lên đường chống ngoại xâm, cũng nhờ giáo dục qua các thầy đồ trong làng khi truyền lại cho con cháu sử xanh của dân tộc.
Ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đất nước thiếu đủ bề, nhưng hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ đã là sự thôi thúc bao thanh niên ra tiền tuyến diệt giặc. Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, thì mô hình con người mới xã hội chủ nghĩa là tấm gương tiêu biểu bao thanh niên noi theo và chủ yếu được truyền bá qua môi trường giáo dục.
Rất tiếc, mô hình người Việt Nam mới như thế nào, với những phẩm chất và giá trị ra sao trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, ngày càng hội nhập sâu với thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đến khá gần, thì lại chưa được định nghĩa một cách tường minh để có sự đồng thuận trong xã hội, huy động sức lực trí tuệ của gần 100 triệu dân để phát triển và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Các tổ chức chính trị xã hội, nhất là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cần xắn tay vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng mô hình con người Việt Nam trong bối cảnh mới. Kinh nghiệm ở một số quốc gia, người ta định hình sớm về năng lực công dân trong thế kỷ 21 như khả năng thông tin truyền thông, biết tôn trọng văn hóa của dân tộc mình và của dân tộc khác, biết hợp tác làm việc tập thể, tư duy phản biện, lô gích, dân chủ và quyền con người, cũng như khả năng tính toán, giao tiếp...
Trên cơ sở đó, với sự chung tay của các cấp các ngành, có mục tiêu phát triển con người đúng đắn thì ngành giáo dục và mọi người cũng hướng đến mục tiêu đó, xã hội sẽ hoàn thiện hơn, tránh đi những trào lưu không lành mạnh và không phù hợp với truyền thống dân tộc. Đó cũng là một cách định hướng giáo dục giá trị hiện nay.
Theo TS HOÀNG NGỌC VINH (Sài Gòn Giải Phóng)