Đầu tư xây dựng thương hiệu; chọn tạo nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao
Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi thông tin: “Quý I-2019, kim ngạch xuất khẩu của An Giang đạt 212 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 138 triệu USD, chiếm 65% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Theo ông Lợi, hiện sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là giá cả các mặt hàng nông, thủy sản và chăn nuôi luôn bấp bênh, điệp khúc “được mùa mất giá” còn xảy ra; sản xuất nông nghiệp thường manh mún, không theo quy hoạch và tình trạng cung vượt cầu thường xuyên xảy ra; giá trị nông nghiệp thấp, thiếu tính bền vững...”.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn dành cho sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh. Năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu 2,78 tỷ USD rau quả từ Việt Nam. Giới thiệu và định hướng thị trường xuất khẩu cho An Giang, ông Nguyễn Trường Sơn (giảng viên cao cấp Tổ chức Lao động Quốc tế ILO) thông tin, hiện Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu lớn các loại trái cây, gạo, thủy sản từ Việt Nam rất lớn và Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch 8 loại quả tươi qua thị trường Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm; tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường đối với sầu riêng, bưởi, chanh leo, dừa, na, măng cụt, khoai lang, bơ... và rau tươi, thực vật nguyên liệu chế biến thực phẩm. Cơ hội cho sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc chủ yếu là tôm đông lạnh, cá tra, cá basa, gạo...
Theo ông Sơn, xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản qua thị trường Trung Quốc thời gian tới sẽ đối mặt với khó khăn, thách thức lớn, khi Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm và thương mại tiểu ngạch; các quy định rào cản phi thuế quan trong thương mại nông, thủy sản. Nhiều năm qua, các mặt xuất khẩu chủ lực của An Giang là nông sản, dệt may, rau quả đông lạnh... tăng mạnh ở các thị trường truyền thống: Philippines, Malaysia, Campuchia, Singapore, Mỹ... và Trung Quốc cũng là thị trường truyền thống tiềm năng bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu.
Vì thế, để sản phẩm nông, thủy sản của An Giang như: lúa, gạo, thủy sản vào thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường khó tính khác, yêu cầu cấp bách hiện nay là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; đầu tư và phát triển khoa học - công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã; tập trung đào tạo, tập huấn kỹ thuật và chuyển giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đặc biệt, tỉnh cần nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; đầu tư xây dựng thương hiệu; chọn tạo nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, cập nhật các thông tin thị trường và thị hiếu tiêu dùng của các địa phương Trung Quốc.
Mới đây, Sở Công thương phối hợp Cục Công tác phía Nam (Bộ Công thương) tổ chức hội nghị định hướng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm nông, thủy sản tỉnh An Giang năm 2019, nhằm cung cấp những thông tin quan trọng về những thách thức đối với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh An Giang trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập; giới thiệu các ưu đãi mang lại đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký; tổng quan tình hình xuất khẩu của sản phẩm nông, thủy sản năm 2018 của cả nước và An Giang; phân tích, nhận định, dự báo tình hình thị trường xuất khẩu, nhu cầu của sản phẩm nông, thủy sản thế giới.
Theo ông Lợi, hội nghị có ý nghĩa quan trọng giúp các doanh nghiệp và nông dân định hướng nhu cầu của thị trường xuất khẩu để có kế hoạch sản xuất và phục vụ xuất khẩu theo nhu cầu thị trường... Từ đó, góp phần giữ vững tốc tộ tăng trưởng ổn định, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm 2019 đối với 2 nhóm hàng chủ lực là nông sản (gạo, nếp, xoài, trái cây đóng hộp) và thủy sản đông lạnh...
Bài, ảnh: CHÂU AN