Hội nghị được lãnh đạo Bộ Công an thông tin chuyên đề: “Những nội dung quan trọng của Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở và 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì, tham mưu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV”; Bộ Giao thông vận tải thông tin chuyên đề “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, theo tinh thần Kết luận 72-KL/TW, ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị”.
Theo thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XV) thông qua Luật Căn cước năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật có 7 chương, 46 điều và có 13 nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Để triển khai thi hành Luật Căn cước năm 2023, Bộ Công an đã hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ ban hành nghị định và Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành luật.
Luật Căn cước năm 2023 có đối tượng áp dụng được mở rộng hơn so với Luật Căn cước công dân năm 2014. Luật quy định việc bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; đặc biệt, bổ sung một số nhóm thông tin sinh trắc học vào Cơ sở dữ liệu căn cước. Việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm...
Đại biểu dự Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 5/2024 tại điểm cầu tỉnh An Giang
Về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đây là luật mới, liên quan trực tiếp công tác bảo đảm ANTT cấp cơ sở. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì xây dựng dự án luật theo đúng trình tự thủ tục và được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật gồm 5 chương, 33 điều. Để triển khai thi hành luật, Chính phủ ban hành Nghị định 40/2024/NĐ-CP, ngày 16/4/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và Bộ Công an ban hành Thông tư 14/2024/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của luật…
Hội nghị còn triển khai 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì, tham mưu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa XV), gồm: Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. “Các dự án luật dựa trên tinh thần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm ANTT, có cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc và phù hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết” - thiếu tướng Phạm Công Nguyên nhấn mạnh.
Phát biểu định hướng tuyên truyền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở tập trung tuyên truyền những nội dung đã thông tin tại hội nghị. Lưu ý, trong tuyên truyền cần nhấn mạnh: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Luật Căn cước được ban hành nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Tuyên truyền về 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì, tham mưu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa XV) cần nêu rõ trong quá trình xây dựng, Bộ Công an đã chủ trì, tổ chức hội thảo khoa học, lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành; có nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội, để hoàn thiện hồ sơ dự án luật...
Về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, theo tinh thần Kết luận 72-KL/TW, ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị”. Kết cấu hạ tầng nói chung, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn và tạo đà bứt phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ…
HỮU HUYNH