Đìu hiu thị trường vàng

15/06/2023 - 08:23

Chưa bao giờ thị trường vàng trong nước trầm lắng như những ngày này

Nhiều ngày qua, bất chấp giá vàng thế giới tăng giảm rất mạnh, giá vàng SJC vẫn "bất động" quanh vùng 67 triệu đồng/lượng; vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại cũng ở quanh vùng 56,6 triệu đồng/lượng. Sức mua cũng gần như đứng yên, nhiều tiệm vàng chỉ ngóng khách, các chủ tiệm vàng cho biết giao dịch hiện nay chỉ bằng 50% so với trước dịch COVID-19.

Thế giới sôi động, trong nước èo uột

Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết tháng 5, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã bán 63 tấn vàng, Ngân hàng Trung ương Uzbekistan cũng bán 11 tấn vàng… Tin tức này khiến giới đầu cơ quốc tế lo ngại rủi ro nên họ đã mạnh tay bán ra khiến giá vàng thế giới đi xuống.

Cuối ngày 14-6, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.950 USD/ounce, giảm 20 USD (khoảng 500.000 đồng/lượng) so với mức giá cao nhất của phiên trước. Trong khi đó ở thị trường trong nước, vài tháng trở lại đây, giá vàng SJC gần như chỉ xoay quanh vùng 67 triệu đồng/lượng và luôn cao hơn giá vàng thế giới trên 10 triệu đồng/lượng.

Giao dịch vàng miếng SJC gần như đóng băng. Nguyên nhân được cho là giới đầu cơ trong nước cố neo giá vàng SJC ở mức cao vì giá vốn mua vào của họ không hề rẻ nên khó thả trôi theo giá vàng thế giới.

Giao dịch tại một tiệm vàng ở quận Gò Vấp, TP HCM ngày 14-6. Ảnh: THY THƠ

Riêng vàng nữ trang, vàng nhẫn 24K biến động trong vùng 55-56 triệu đồng/lượng, tương đương với giá thế giới. Loại vàng này do người dân có nhu cầu mua sắm làm đẹp hoặc làm quà tặng cưới hỏi… nên vẫn có giao dịch dù trầm lắng hơn rất nhiều so với những năm trước. Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động ở TP HCM, các tiệm vàng khu vực chợ Bà Chiểu, chợ Tân Định, chợ Gò Vấp, khu vực "phố vàng" ở đường Lê Thánh Tôn, quanh chợ Bến Thành đều thưa thớt khách mua bán. Các cửa hàng của những công ty lớn như SJC, PNJ, DOJI…, lượng khách ra vào giao dịch cũng không mấy sôi động.

Anh Trần Minh Chánh, chủ tiệm vàng Kim Phát I (quận Gò Vấp), cho hay vàng SJC không có người mua, các loại vàng khác cũng rất ít người giao dịch. Doanh số bán hàng và lợi nhuận của tiệm thời gian gần đây sụt giảm rất mạnh. "Có thể do ít việc làm, thu nhập giảm nên không có nhiều người dân đi mua vàng" - anh Chánh nói.

Chủ 2 cửa hàng vàng ở khu vực chợ Bến Thành, quận 1, cũng xác nhận nhu cầu giao dịch đối với cả vàng SJC lẫn vàng trang sức, vàng nhẫn đều trầm lắng. Nguyên nhân do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút khiến nhiều người không đổi trang sức, cũng ít mua vàng nhẫn để tích lũy. "Riêng với vàng SJC, do chênh lệch cả chục triệu đồng so với vàng nhẫn dù cùng là vàng 99,99 nên người dân càng không chuộng như trước. Nhu cầu giao dịch chỉ bằng khoảng 50% so với trước dịch COVID-19, dù trước đó thị trường vàng đã trầm lắng" - chủ một cửa hàng vàng nói.

Ông Lê Văn Đang, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Vàng AJC (Hà Nội), cho hay tất cả sản phẩm vàng của công ty đều rơi vào cảnh trầm lắng, vắng bóng khách mua bán. Doanh thu đầu năm đến nay giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận cũng giảm mạnh vì sức mua kém, chênh lệch giá mua vào, bán ra bị thu hẹp. "Chi phí kinh doanh không giảm, nhất là việc trả lương cho nhân viên phải đầy đủ. Nhiều khả năng năm nay công ty kinh doanh không có lãi" - ông Đang dự báo.

Thị trường vàng không có "sóng"

Theo Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), trong bối cảnh sức mua giảm mạnh, doanh thu trang sức bán lẻ trong 4 tháng đầu năm 2023 đã giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu bán sỉ trong 4 tháng đầu năm cũng giảm tới 23,3%. Riêng doanh thu vàng 24K lũy kế 4 tháng đầu năm giảm nhẹ 2,4%. Ngược lại, tổng chi phí hoạt động 4 tháng đầu năm của PNJ tăng 6,1% so với cùng kỳ, tỉ lệ chi phí hoạt động trên lợi nhuận tăng từ 49,3% năm 2022 lên mức 52% năm 2023 do nền giá cao hơn.

Không chỉ các tiệm vàng, công ty vàng mà nhiều ngân hàng thương mại thời điểm này cũng "quên" mảng kinh doanh vàng. Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn ở TP HCM cho biết ngân hàng cũng kinh doanh vàng như các công ty kim hoàn nhưng không có nhiều khách hỏi. Tỉ trọng doanh thu từ vàng miếng nhỏ tới mức ngân hàng cũng không còn để ý. Nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở TP Thủ Đức cho hay nếu có khách hỏi mua vàng, nhân viên sẽ báo lên hội sở để xem có vàng sẵn hay không, sau đó mới báo lại khách và hẹn ngày, giờ để khách trở lại giao dịch, thay vì để sẵn ở chi nhánh nhằm đáp ứng ngay nhu cầu của khách như giai đoạn hoàng kim trước đây.

Trong bối cảnh thị trường vàng trong nước đìu hiu, chuyên gia tài chính Trần Thanh Hải, nguyên Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), cho rằng giá vàng thế giới thời gian gần đây thường dậy sóng nhưng giá vàng SJC và các sản phẩm vàng khác gần như không biến động là điều vô cùng lạ lẫm. "Tình trạng này có thể là do khi giá vàng thế giới biến động mạnh, các tiệm vàng không còn mua qua bán lại như các năm trước khiến thị trường vàng trong nước không có "sóng". Các nhà đầu tư lớn cũng không dám mua vàng số lượng nhiều như trước đây, thu nhập của người dân sụt giảm do dịch COVID-19 và kinh tế gặp khó khăn nên nhu cầu nắm giữ vàng ngày càng ít. Thị trường vàng Việt Nam rơi vào hoàn cảnh ế ẩm là tất yếu" - ông Hải bình luận.

Đề xuất thay đổi cách quản lý vàng

Một chuyên gia vàng góp ý để giao dịch trên thị trường vàng nhộn nhịp hơn, cần thay đổi cách quản lý bằng cách lập sở giao dịch vàng, tức xem vàng như một loại hàng hóa đặc biệt, thay vì để Ngân hàng Nhà nước quản lý như hiện tại. Bởi, cả chục năm nay, vàng đã không còn là phương tiện thanh toán, không được sử dụng trong giao dịch thanh toán mua nhà, các tổ chức tín dụng cũng không được huy động và cho vay vàng như trước đây. Vàng hiện tại chỉ như một loại hàng hóa có giá trị như dầu thô, bạc, đồng...

Theo Người lao động