Nỗ lực được đền đáp
Năm 1999, sau 24 năm đất nước thống nhất, Long Xuyên là thị xã đầu tiên ở ĐBSCL được Chính phủ công nhận thành phố loại III. Đúng 10 năm sau, Long Xuyên được công nhận thành phố loại II. Giai đoạn 10 năm kế tiếp, TP. Long Xuyên được công nhận là đô thị loại I, đánh dấu sự phát triển quan trọng không chỉ của Long Xuyên, tỉnh An Giang, mà còn của cả vùng ĐBSCL.
Quá trình thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU, ngày 20/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển TP. Long Xuyên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 cho thấy nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn duy trì ở mức cao. Thu ngân sách tăng nhanh, thu hút đầu tư đạt kết quả tốt. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được xây dựng đồng bộ, hiện đại.
Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng. Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành. Lĩnh vực văn hóa - xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị từng bước được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng, có nhiều đổi mới.
Với những thành tích đạt được trên các lĩnh vực, TP. Long Xuyên được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, ghi nhận đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Long Xuyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, xem như mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra đã hoàn thành. Đồng thời, đây cũng là tiền đề để thành phố đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đầu tư nâng chất đô thị loại I và xây dựng đô thị thông minh trước năm 2030.
Nhưng hành trình phát triển của địa phương không dừng lại ở đó. Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, xây dựng trung tâm đầu mối về kinh tế nông nghiệp tại TP. Long Xuyên gắn với trung tâm đầu mối tổng hợp cấp vùng tại TP. Cần Thơ. Trong 3 hành lang, Châu Đốc - Long Xuyên là hành lang kinh tế (cùng với hành lang biên giới và hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu).
Thành phố tiếp tục là trung tâm tổng hợp chuyên ngành; trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ của tỉnh; trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại An Giang, có chức năng chính là thu gom, chế biến gạo, thủy sản nước ngọt, công nghiệp phụ trợ, trung tâm logistics và đào tạo nghề (đặc biệt là trung tâm logistics cấp vùng).
Tận dụng cơ hội mới
TP. Long Xuyên cũng là nơi xây dựng Trung tâm dữ liệu, điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang; trung tâm điều hành y tế thông minh ngành y tế tỉnh; là nơi đặt Khu công viên văn hóa - thể thao tỉnh, Trung tâm đào tạo huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao tỉnh, sân vận động, nhà thi đấu dưới nước, khu liên hợp văn hóa - thể thao, nhà thi đấu thể thao, hồ bơi cấp tỉnh; các khu thương mại - dịch vụ, khu phức hợp, trung tâm thương mại tổng hợp, trung tâm tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm cấp tỉnh…
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố cần quyết tâm phấn đấu nhiều hơn nữa, đoàn kết nhất trí; tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo của bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy; phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn, hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển mới có tính đột phá, tập trung nâng cao chất lượng hệ thống tiêu chí đô thị loại I, xây dựng thành phố phát triển nhanh theo hướng hiện đại, bền vững.
Một vấn đề quan trọng khác, địa phương cần quan tâm phát triển, hoàn thiện cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng hiện đại, nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, văn minh. Để làm được điều đó, thành phố phải chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển của mình; huy động đa dạng nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ du lịch; quan tâm bảo vệ môi trường; có định hướng, kế hoạch cụ thể nhằm thu hút, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là vấn đề then chốt, quyết định sự thành công trong kế hoạch phát triển của thành phố.
“Mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố phải nhận thức rõ, cùng chung tay, góp sức xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Cơ sở hạ tầng, công trình văn hóa, phúc lợi, điện chiếu sáng, cây xanh đô thị... rất cần được đầu tư, đòi hỏi phải quản lý, khai thác, sử dụng thế nào cho hiệu quả. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh mong muốn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Long Xuyên xác định rõ hơn nữa vị trí, tầm quan trọng, vinh dự và trách nhiệm của thành phố đối với cả tỉnh, thực hiện thật tốt phong trào xây dựng nếp sống văn minh, đô thị văn minh; nghiên cứu phát động phong trào thi đua sâu rộng.
Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ dân phố có việc làm cụ thể, xây dựng thành phố theo hướng đô thị xanh - sạch đẹp, văn minh và hiện đại. Tôi tin tưởng, TP. Long Xuyên sẽ tiếp tục phát triển vững chắc trong thời gian tới, xứng đáng là thành phố văn minh, giàu đẹp không chỉ của tỉnh An Giang, mà còn đẹp trong mắt bạn bè trong khu vực, cả nước và quốc tế” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước bày tỏ.
GIA KHÁNH