Hội thảo đóng góp ý kiến dự án Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Đại biểu đóng góp dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)
Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành và những điều khoản quy định của dự thảo luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị ban soạn thảo lưu ý về giải thích khái niệm “khu quân sự”, chỉnh lý khái niệm “khu quân sự là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quốc phòng”; đề nghị quy định “kho đạn dược là nơi cất trữ, sản xuất, sửa chữa, xử lý đạn dược, nguyên liệu, vật liệu nổ của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.
Về chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 4), đại biểu đề nghị luật chỉ cần quy định có tính nguyên tắc “Nhà nước có chế độ, chính sách phù hợp cho các lực lượng quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự”, còn cụ thể áp dụng cho lực lượng thuộc đối tượng nào có liên quan thì để Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, UBND cấp tỉnh nơi có công trình quốc phòng và khu quân sự quy định…
Trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Các đại biểu thống nhất sửa đổi, bổ sung dự thảo luật, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, tạo bước đột phá về chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào công tác quản lý Nhà nước.
Các đại biểu đề nghị đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước để phù hợp với đối tượng điều chỉnh của dự thảo luật. Ban soạn thảo dự án luật cần xem xét giữ nguyên thuật ngữ của luật có liên quan, chuyển đổi từ ngữ cho phù hợp, tránh đối lập, trùng lắp, bố trí một số điểm, khoản, điều khoa học, chặt chẽ hơn.
G.K - N.R