Phát triển thị trường nội địa
Các DN trong tỉnh An Giang đang tìm cách cắt giảm chi phí, giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách hàng. Tiếp tục khép kín quy trình sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động, nâng tầm định hướng chiến lược cho DN phát triển...
Đảm bảo hiệu quả hoạt động SXKD và tin tưởng vào khả năng phục hồi kinh tế, ngay từ đầu năm 2022, Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) bắt tay tổ chức hoạt động SXKD trong tâm thế chủ động, sáng tạo bằng nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Bám sát định hướng xăng dầu tiếp tục là trục kinh doanh cốt lõi, trong đó ưu tiên phát triển kênh bán lẻ bằng nhiều giải pháp hỗ trợ mang tính đồng bộ tại các cửa hàng xăng dầu, như: Triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt với thế hệ POS tiên tiến (chấp nhận thanh toán hầu hết các loại thẻ, ví điện tử, quét mã QR), triển khai chương trình khách hàng thân thiết PLX-ID, tổng đài dịch vụ khách hàng, khai thác các hình thức bán hàng mới (hợp đồng giao hàng toàn quốc)… nhằm gia tăng sự trải nghiệm và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Năm 2022, Petrolimex An Giang phấn đấu tổng sản lượng xăng dầu xuất bán 93.320m3, dầu mỡ nhờn 329 tấn, gas 491 tấn và bảo hiểm Pjico doanh thu 4,36 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2022 phấn đấu đạt 7,3 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 328 tỷ đồng.
Để thích ứng an toàn và linh hoạt với tình hình mới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang Quách Trọng Dung cho biết, công ty sẽ cố gắng giữ vững hoạt động SXKD, năng suất, ổn định chất lượng sản phẩm và tính toán giảm chi phí sản xuất, giá cạnh tranh; phát triển mẫu mã sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị cao; nghiên cứu đầu tư, cải tiến kỹ thuật, máy móc thiết bị, công nghệ.
Trong bối cảnh khó khăn từ nguồn nguyên liệu, công ty đặt mục tiêu đảm bảo nguyên liệu sản xuất và dự trữ hợp lý, đảm bảo vật tư, phụ tùng thay thế. Đặc biệt, chủ động công tác thị trường tiêu thụ sản phẩm, duy trì xuất khẩu xi-măng Acifa sang Campuchia. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, như: Dây chuyền sản xuất gạch Porcelain, nhà ở xã hội, khu dân cư Xẻo Trôm 3, dự án đường Lý Thái Tổ (nối dài, giai đoạn 2). Phấn đấu doanh thu năm 2022 đạt 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 153 tỷ đồng, nộp ngân sách 150 tỷ đồng. Toàn bộ 13 nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng thuộc công ty tăng tốc thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện nước An Giang Lê Việt Anh thông tin: “Năm 2022, công ty nâng cao hiệu quả SXKD, tăng năng suất lao động; phát triển kinh doanh điện năng lượng mặt trời, tích cực chuẩn bị các điều kiện nhằm chủ động tham gia khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh chính thức vận hành. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, khai thác hiệu quả dịch vụ điện, nước trực tuyến mức độ 4, đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động...”.
Tăng tốc xuất khẩu
Các DN xuất khẩu cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, vẫn sẽ có một số cơ hội khởi sắc trong năm 2022. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như: Bắc Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Đông Á đang có sự hồi phục tốt về nhu cầu tiêu dùng.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) Trần Vũ Đình Thi chia sẻ: “An Giang đã khống chế được dịch bệnh, góp phần tạo thuận lợi tốt hơn từ các đối tác thương mại lớn. Những tín hiệu lạc quan đó tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu trong năm 2022. Những năm qua, vị thế gạo, thủy sản Việt Nam được củng cố vững chắc ở thị trường quốc tế. Riêng gạo có sự chuyển dịch rất quan trọng từ gạo trắng sang các dòng gạo thơm. Việt Nam đã có sự khẳng định ở thị trường Philippines, Châu Phi, kể cả thị trường khó tính như EU. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, công ty sẽ mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, với sản lượng 1 triệu tấn gạo/năm, phục vụ xuất khẩu với mục tiêu tăng trưởng hơn 200% so năm 2021”.
Công ty Angimex quan tâm các dự án nhằm phát triển hệ sinh thái nông nghiệp và tạo liên kết bền vững cho chuỗi SXKD gạo; mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, phát triển hệ thống nhà máy sản xuất phân bón tại khu vực ĐBSCL, đầu tư nghiên cứu khoa học - công nghệ, nghiên cứu giống lúa, tận dụng nguồn phụ phẩm, phế phẩm trong sản xuất lúa gạo để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng…
Năm 2021, mảng xuất khẩu gạo của Tập đoàn Lộc Trời đã tăng gấp 4 lần về sản lượng và doanh số so với năm 2020; có thêm 15 đối tác mua hàng mới trên thị trường quốc tế. Đây là nỗ lực rất lớn của tập đoàn trong thời gian chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. “Tin rằng năm 2022, sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho lúa gạo và các loại nông sản được sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn của Việt Nam tại thị trường Châu Âu và nhiều thị trường khác, giúp tăng hiệu quả của kinh tế nông nghiệp” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận chia sẻ.
Từ lợi thế con cá tra, các sản phẩm giá trị gia tăng đang được DN đẩy mạnh đầu tư. Điển hình như Tập đoàn Nam Việt kết hợp Công ty AMICOGEN (Hàn Quốc) lấy da cá tra tươi để sản xuất ra collagen peptide và gelatin. “Mong muốn trong năm 2022, đưa sản phẩm collagen peptide và gelatin ra thị trường toàn quốc. Năm 2022, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Nam Việt đạt 200 triệu USD, đứng “Top 5” công ty có kim ngạch xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới nhấn mạnh.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU