Một góc Cảng Los Angeles ở Wilmington, California. (Ảnh: Reuters)
Các Giám đốc điều hành (CEO) của những công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ đang chuẩn bị để đối phó với những đợt thuế quan mới, khi ông Donald Trump đã trở lại Nhà Trắng.
Bà Laura Alber, CEO của công ty bán lẻ Williams-Sonoma (WSM), chia sẻ với Yahoo Finance tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ rằng, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, công ty này đã chứng kiến làn sóng áp thuế đầu tiên và đã giảm 50% mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Những năm gần đây, các nhà bán lẻ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng để ứng phó với những loại thuế quan được ban hành trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Họ cũng đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc đàm phán với các nhà cung cấp để giảm giá và duy trì chi phí thấp.
Bà Alber cho biết thêm các nhà cung cấp sẽ hỗ trợ WSM về thuế quan vì họ muốn duy trì quan hệ kinh doanh. Gần đây, ông Trump có kế hoạch áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/2, đồng thời cảnh báo sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada.
Ông Joe Feldman, Giám đốc điều hành cấp cao của công ty tư vấn Telsey Advisory Group, nhận định nếu các loại thuế quan trên có hiệu lực, mọi nhà bán lẻ sẽ buộc phải tăng giá bán, có thể trong vòng 3 tháng đến 6 tháng.
Đối với WSM, 25% nguồn cung của công ty này đến từ Trung Quốc, trong khi phần lớn hàng hóa, chiếm 81%, đến từ các khu vực khác ở châu Á và châu Âu.
Bà Alber cũng cho biết công ty này còn sản xuất đồ nội thất tại Mỹ, đây là một "lợi thế rất lớn" giúp cung cấp đồ nội thất đặt làm theo yêu cầu cho khách hàng một cách nhanh chóng.
Các công ty may mặc lớn như Ralph Lauren và Gap cũng đã đa dạng hóa nguồn cung từ khi ông Trump lần đầu lên nắm quyền. Ông Patrice Louvet, CEO của hãng thời trang Ralph Lauren, cho biết trước đây, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 50% nguồn cung của công ty, nhưng bây giờ con số này chỉ còn ở mức một chữ số.
Ông cũng nói thêm công ty đã lên kế hoạch cho kịch bản thuế nhập khẩu tăng và sẵn sàng ứng phó với "môi trường biến động" sắp tới.Hiện tại, tập đoàn bán lẻ Gap chỉ nhập dưới 10% sản phẩm từ Trung Quốc, phần còn lại của chuỗi cung ứng nằm ở Đông Nam Á, Trung Mỹ, châu Âu và Ấn Độ.
Ông Richard Dickson, CEO của tập đoàn Gap, chia sẻ rằng tập đoàn này tiếp tục phát triển các thị trường mới để phát triển sản phẩm và đang tập trung cao độ vào giá trị.
Ông cũng nhấn mạnh công việc của Gap là tìm ra giá trị và đảm bảo rằng họ mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất với giá tốt nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn phải xem người mua sắm sẽ phản ứng như thế nào với việc tăng giá. Ông Louvet cho rằng việc tăng thuế quan có khả năng dẫn đến giá cả cho người tiêu dùng cao hơn.
Nhà phân tích Dylan Carden của công ty phân tích William Blair nhận định không giống như năm 2018, khi ông Trump khởi xướng làn sóng thuế quan đầu tiên đối với hàng hóa Trung Quốc, việc chuyển chi phí sang cho người mua sắm vốn đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát sẽ trở nên khó khăn hơn.
Ông Carden cho rằng lạm phát là một vấn đề lớn trong nhiều năm. Ông cũng ước tính thuế 25% đối với hàng may mặc sẽ làm tăng giá tiêu dùng từ 5% đến 10%./.
Theo TTXVN/Vietnam+