Doanh nghiệp vào mùa hàng Tết Nguyên đán

24/10/2023 - 08:56

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp thành phố đã bắt đầu triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024. Nhận định xu hướng tiêu dùng còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp cần phải linh động để đáp ứng đa nhu cầu khách hàng, tăng doanh thu hoàn thành mục tiêu đề ra.

 

Sản xuất hàng Tết tại Công ty cổ phần Kinh doanh thủy, hải sản Sài Gòn (quận Bình Tân).

Chia sẻ tin vui khi có nhiều đơn hàng xuất khẩu trị giá khoảng 600 nghìn USD (14 tỷ đồng) ngay trong thời điểm những tháng cuối năm, Tổng Giám đốc Sông Hương Foods Nguyễn Lê Quốc Tuấn cho biết: Những loại bánh truyền thống Việt Nam như bánh nậm, bánh lọc, bánh giò, xôi khúc, bánh gai… vừa được đối tác đặt hàng để xuất khẩu đi Mỹ.

Để quảng bá sản phẩm, ngoài bán hàng trực tiếp, đơn vị này còn đầu tư mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, tận dụng các nền tảng xã hội tiếp cận thêm người tiêu dùng. Năm nay, doanh nghiệp tập trung sản xuất những sản phẩm cần thiết như những hộp quà giá chỉ từ 100 nghìn-120 nghìn đồng theo xu hướng chung để khách hàng dễ dàng mua sắm làm quà biếu tặng.

Tại nhà máy sản xuất thực phẩm của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (quận Tân Phú), không khí sản xuất nhộn nhịp ở tất cả các khâu. Những sản phẩm mới, tiện dụng với giá cả phải chăng được doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng tung ra thị trường.

Giám đốc khối hành chính-nhân sự Công ty Acecook Việt Nam Phạm Văn Nam cho biết: Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng các sản phẩm tại doanh nghiệp hầu như chưa tăng giá; thậm chí, còn giảm giá thêm 5%. Dịp Tết này, doanh nghiệp cố gắng đưa sản phẩm với giá cả tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Hiện, Acecook tiếp tục tung ra thị trường nhiều gói sản phẩm quà tặng tiện lợi như miến, mì ăn liền, viên canh ăn liền… Tổng lượng hàng hóa bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 tăng khoảng 20% so với ngày thường.

Thời gian này, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cũng tuyển thêm lao động, tăng sản lượng sản xuất thực phẩm chế biến để chuẩn bị cho dịp Tết. Đại diện Vissan cho biết: Kế hoạch Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 sẽ cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ và 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương so với cùng kỳ với tổng giá trị hàng hóa đạt hơn 540 tỷ đồng.

Đồng thời, công ty còn thực hiện dự trữ từ 10-20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp thiếu hụt hàng hóa cung ứng cho thị trường. Doanh nghiệp còn thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại từ 10-30% với nhiều sản phẩm nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ khách hàng mua sắm cuối năm.

Đa số các doanh nghiệp đều dự báo, trong dịp Tết năm nay khách hàng sẽ có xu hướng chi tiêu tiết kiệm. Do đó, nhà sản xuất chủ động những sản phẩm vừa túi tiền, không quá cầu kỳ và mang tính ứng dụng cao. Chủ cơ sở bánh kẹo Quế Châu Nguyễn Thị Xuân (huyện Hóc Môn) cho biết: Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong dịp Tết, doanh nghiệp đã thay đổi bao bì trong các gói quà tặng để có giá thành rẻ nhưng vẫn bảo đảm bắt mắt, sang trọng.

Theo tính toán, giá các gói quà tặng năm nay sẽ giảm hơn 40% so với những năm trước. Đánh giá thị trường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo Lương Vạn Vinh (huyện Bình Chánh) chia sẻ: Gần 90% sản phẩm công ty đều tiêu thụ ở thị trường nội địa. Kinh tế khó khăn cho nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Khi quyết định chọn mua bất cứ sản phẩm nào, người tiêu dùng cũng đặt lên bàn cân hai tiêu chí: Sản phẩm tốt, nhiều khuyến mại. Do đó, để bán được hàng, chúng tôi phải làm chương trình khuyến mại nhiều hơn; đồng thời, tăng độ phủ hàng hóa, tiếp thị tận nơi đến tay người tiêu dùng mới bán được hàng.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định: Thị trường có nhiều yếu tố bất định, nhiều sự thay đổi. Điều quan trọng nhất hiện nay là các doanh nghiệp cần phải nắm chắc những thông tin, dự báo và lựa chọn giải pháp của mình từ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới của người tiêu dùng. Để đối phó với những thay đổi, doanh nghiệp cần chú ý tới chất lượng hàng hóa, xây dựng hệ thống dịch vụ để người tiêu dùng thêm hài lòng. Doanh nghiệp phải có sự thích ứng với những thay đổi, đó là điều quan trọng nhất hiện nay.

Theo Cục Thống kê thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chín tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 871 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,6%; doanh thu lưu trú và ăn uống tăng 31,8%; doanh thu lữ hành tăng 68,9%. Cục trưởng Thống kê Nguyễn Khắc Hoàng nhấn mạnh: Phải kích cầu tiêu dùng nội địa. Sức mua quyết định tỷ lệ lớn trong tăng trưởng kinh tế nói chung.

Hiện tiêu dùng đang là điểm sáng để có thêm thuế trong khi thuế xuất nhập khẩu đang suy giảm. Vừa qua, thành phố có các chương trình khuyến mại đã ghi nhận những kết quả tích cực. Thời gian tới nên có kế hoạch dài hơi, có sự hỗ trợ của Nhà nước trong tham gia các chương trình khuyến mại này. Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương cũng cho biết: Trong thời gian tới, Sở sẽ vận động hệ thống phân phối tham gia chương trình này. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho cuối năm.

Theo Nhân Dân