Độc đáo gốm Khmer

15/02/2024 - 03:06

 - Thời điểm cuối năm, những “nghệ nhân” làng gốm Phnôm Pi (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) tất bật cho các mẻ gốm chuẩn bị ra lò. Lò than, cà ràng, cà om, khuôn bánh khọt… là những sản phẩm gốm mang đậm nét truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer vùng Bảy Núi.

Nghề gốm của đồng bào DTTS Khmer ở xã Châu Lăng có bề dày truyền thống và lịch sử phát triển. Trải qua nhiều đời, đến nay không còn ai nhớ chính xác nghề gốm độc đáo này ra đời từ khi nào, người thợ làm gốm chỉ biết học nghề từ cha mẹ, cứ thế tiếp diễn qua nhiều thế hệ. Có người làm gốm từ khi còn nhỏ khoảng 12 - 15 tuổi, đến nay những người thợ đã 60 - 70 tuổi, tính ra nghề gốm nơi đây tồn tại hơn 100 năm.

Được mẹ truyền dạy, bà Néang Vu (sinh năm 1958) gắn bó với nghề truyền thống này từ năm 15 tuổi đến nay. Bà Néang Vu cho biết, người làm gốm ở đây truyền từ đời này sang đời khác. Đàn ông thì làm những công việc nặng nhọc, như: Đào đất, gánh đất, đốn củi, nung gốm... Còn phụ nữ đảm nhận những phần việc đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và tỉ mỉ, như: Nhào nặn đất sét, tạo hình cho các sản phẩm gốm.

Sản phẩm gốm của người Khmer ở Phnôm Pi rất đơn giản, chỉ là những chiếc nồi dùng để rang hoặc nấu nước, chảo kho cá, khuôn bánh khọt, cà om (nồi), chậu rửa, cà ràng (bếp lò nấu củi), ống khói lò củi… Trong các sản phẩm làm ra, cà ràng và cà om là mặt hàng mang đậm nét truyền thống của đồng bào DTTS Khmer, khá nổi tiếng và bán chạy một thời.

Mỗi ngày, bà Neang Vu có thể làm được từ 5 - 7 cái cà ràng. Giá thành dao động từ 25.000 - 100.000 đồng/sản phẩm (tùy kích cỡ lớn, nhỏ). Ngoài ra, bà còn làm các loại vật dụng sinh hoạt trong gia đình, khi người dân có nhu cầu đặt hàng.

“Nghề này nhộn nhịp nhất là vào mùa nắng và cận Tết, còn mùa mưa sẽ hạn chế. Tết đến, ai cũng muốn mua cho gia đình những đồ dùng mới, nên việc làm gốm cũng nhiều hơn. Ngoài làm theo yêu cầu của bà con đặt hàng, tôi tranh thủ làm thêm một số đồ thông dụng như cà ràng, cà om… để bán khi có người cần mua liền” - bà Néang Vu chia sẻ.

Xưa kia, gốm Phnôm Pi là một thương hiệu nổi tiếng cả về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Vì vậy, cảnh trên xe, dưới ghe của thương lái từ các tỉnh lân cận đến Tri Tôn chờ mua gốm tấp nập, giờ chỉ còn trong ký ức của người dân nơi đây. Dù hiện tại, gốm Phnôm Pi không còn ở thời kỳ “hoàng kim” nhưng vẫn mang chất dân dã, bình dị, giữa cuộc sống hiện đại và là hiện thân cho một phần văn hóa Khmer vùng Bảy Núi.

Điểm khác biệt và đặc trưng ở làng gốm này là tất cả sản phẩm đều được làm thủ công, thô sơ, đơn giản, không cầu kỳ về hoa văn, kiểu cách. Dù được làm hoàn toàn bằng tay nhưng những sản phẩm gốm ở làng Phnôm Pi không hề đơn điệu. Chúng có tạo hình độc đáo theo tập tục sinh hoạt của người Khmer, có những họa tiết được khéo léo tạo nên từ đôi tay người thợ.

Đối với người DTTS Khmer, làm ra những chiếc cà ràng, cà ôm, khuôn bánh vừa để mưu sinh, vừa để gìn giữ truyền thống. Tất cả các công đoạn từ nặn, nhào, tạo hình... đều phải làm bằng tay nên đòi hỏi sự khéo tay của người thợ. Đất sau khi lấy về được ủ rồi tưới nước phun sương cho mềm, sau đó đem ủ một thời gian từ 2 - 3 ngày, tiếp đến mới giã cho tơi, cho thật nhuyễn mịn, rồi loại bỏ hết tạp chất, đá, sạn, sỏi… chỉ sử dụng đất nguyên chất.

Bà Néang Sóc Nát (49 tuổi) chia sẻ: “Độ bền sản phẩm phụ thuộc vào chất lượng của đất sét. Không phải loại đất sét nào cũng làm gốm được mà phải chọn loại đất sét núi không lẫn tạp chất, phải đào sâu ở chân núi trên địa bàn huyện Tri Tôn hay TX. Tịnh Biên mới lấy được. Đây là loại đất sét rất đặc biệt vì vừa nhuyễn, vừa mịn, có độ dẻo, khi đốt chín có màu đỏ tươi, đổ nước vào không nứt”.

Theo bà Néang Sóc Nát, để tạo dáng sản phẩm, người thợ phải trộn đất với nước theo tỷ lệ thích hợp mà chỉ có những người có kinh nghiệm lâu năm mới điều hòa được lượng nước và đất cho phù hợp, nhồi đất sao cho đất dẻo, kết dính mà không nhão, không khô, rồi mới chuyển sang công đoạn tạo hình sản phẩm. Công đoạn tạo hình gốm của các “nghệ nhân” người DTTS Khmer ở Phnôm Pi rất đặc biệt. Họ không dùng bàn xoay hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào, mà việc nặn gốm được làm hoàn toàn bằng tay, từng chút, tỉ mẩn và khéo léo của người phụ nữ.

Người thợ đi vòng quanh để đắp, bồi, xoa, vuốt… và dùng một số dụng cụ để hỗ trợ làm ra các sản phẩm gốm, như: Bàn đập, bàn xoa, bàn kê, lá nốt, chậu đựng nước… Sau khi sản phẩm thành hình sẽ được đem phơi từ 1 - 3 ngày, tùy vào thời tiết, tránh ánh nắng trực tiếp để gốm không bị nứt vỡ, cuối cùng đem nung.

Điểm đặc biệt của sản phẩm gốm của làng nghề Phnôm Pi là không nung bằng lò nung, mà được nung bằng củi và rơm, thời gian từ 2 - 3 giờ. Tuy là công đoạn thủ công nhưng đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới nung ra mẻ gốm đẹp, đều màu và độ bền cao…

“Mình phải sắp rơm, củi và đồ gốm sao cho thật hợp lý, vừa đảm bảo khoảng hở giữa các sản phẩm, vừa cố định để gốm khi nung được chín đều và không đổ vỡ. Sau đó, phủ rơm lên toàn bộ khối đồ gốm để không bị lọt hơi ra ngoài. Trước khi châm lửa đốt, người thợ sẽ phun sương một ít nước lên phía trên, để cho rơm và củi cháy âm ỉ, gốm mới chín từ từ thì sản phẩm mới đẹp, đều màu và độ bền cao” - bà Sóc Nát chia sẻ.

Gọi là làng gốm Phnôm Pi vì trước đây ở ấp Phnôm Pi hầu như nhà nào cũng làm gốm. Khi các sản phẩm gốm làng Phnôm Pi còn được ưa chuộng thì cả làng có đến trăm bếp đỏ rực lửa quanh năm hối hả sản xuất. Giờ chỉ còn khoảng 5 - 6 hộ dân gắn bó nghề gốm này, chủ yếu là người già, bởi vì để làm ra sản phẩm hoàn toàn thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, vất vả và tốn nhiều thời gian nhưng không có thị trường tiêu thụ, giá thành lại rẻ, nên nguồn thu nhập không cao, đồng thời nguồn đất sét để làm gốm ngày càng cạn kiệt.

Đối với người dân ở đây, việc làm ra những sản phẩm gốm không chỉ để mưu sinh mà còn giữ gìn và duy trì một nghề truyền thống của ông cha để lại, như giữ lại những giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của đồng bào DTTS Khmer.

KHÁNH MY