Độc đáo làng nghề 'thêu áo cho Vua'

23/01/2023 - 14:51

Làng Đông Cứu (Xã Dũng Tiến, Huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với nghề độc nhất vô nhị "thêu áo cho Vua". Nghề thủ công truyền thống của làng đến nay vẫn được duy trì, bảo tồn và vinh dự được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.


Nghề thêu đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân làng Đông Cứu. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức.

Kỹ thuật thêu độc đáo

Nằm bên dòng sông Nhuệ, làng Đông Cứu vừa mang vẻ êm đềm và thanh bình như bao làng quê khác lại vừa có không khí tấp nập, nhộn nhịp mua bán như phố thị. Gần Tết, những mặt hàng khăn thêu, áo ngự... ở các xưởng được sắp xếp ngay ngắn đợi tiểu thương đến cho lên xe ô tô tải chuyển đi khắp cả nước.

Ông Nguyễn Thế Du, Chủ tịch Hội nghề thêu truyền thống Đông Cứu sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm nghề thêu khăn chầu, áo ngự và cũng là một trong số ít người trong làng có khả năng vẽ, thiết kế áo cho những sản phẩm thêu tay truyền thống. Ông Du kể, theo các thông tin được ghi trên bản sắc phong, làng thêu Đông Cứu đã sớm xuất hiện dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (năm 1746). Làng Đông Cứu thờ ông Lê Công Hành, vị tiến sĩ thời vua Lê Thần Tông (1637), làm tổ nghề thêu. Khi ông đi sứ phương Bắc, có học được kỹ thuật thêu của người phương Bắc nên khi về đã truyền dạy cho dân, trong đó có dân làng Đông Cứu.

Ông Du cho biết, người thợ cũng như người họa sĩ, muốn cho ra những bộ trang phục đúng tín ngưỡng, quy chuẩn dân gian thì cũng phải am hiểu lịch sử và tín ngưỡng của hầu thánh từ lâu đời nay. Những hình rồng phượng, hoa lá uốn lượn, vân mây nẩy trăng... được sắp xếp bố cục cân xứng trên tà áo, vừa thể hiện được sự lộng lẫy, đồng thời cũng thể hiện thứ bậc, giai cấp trong xã hội thời bấy giờ.

“Nghề thêu Đông Cứu có nhiều kỹ thuật đặc trưng như vừa thêu vừa phải nhồi đặc chỉ, vừa thêu xoắn lại vừa phải bắt nét quanh kim tuyến sao cho mềm mại để tạo nên các hình rồng, phượng uốn lượn tinh xảo mà chỉ có những người có tay nghề, trình độ cao trong làng mới có thể thực hiện được”, ông Du phân tích trong niềm tự hào.

Để có thể làm được những bộ long bào phục chế, nhiều xưởng thêu trong làng Đông Cứu phải cất công đi đặt vải ở những làng nghề có uy tín như Vạn Phúc (quận Hà Đông, TP Hà Nội), Nha Xá (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Cầu kỳ, tỉ mỉ từng công đoạn nên để hoàn thiện 1 sản phẩm sẽ mất vài tháng, thậm chí có những chiếc phải làm cả năm trời.


Nghề thêu Đông Cứu tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức.

Giữ gìn truyền thống, thu nhập ổn định

Gia đình ông Đỗ Bá Hệ (sinh năm 1936), đã có nhiều đời làm nghề thêu long bào ở làng Đông Cứu. Ông Hệ cho biết, cũng có rất nhiều địa phương làm nghề thêu, nhưng thêu đồ cung đình, áo mão, mũ, lọng theo lối cổ thì chỉ có ở Đông Cứu.

Những kiểu thêu trên trang phục cung đình có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật thêu truyền thống. Ngoài những lối thêu khó, việc thêu các trang phục này còn phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo. Với áo dành cho vua, hoàng gia phải tuân thủ những quy tắc khắt khe. Áo long bào của vua bắt buộc phải chọn chỉ se 2 chiều. Trong khi đó, áo hoàng hậu lại chỉ được dùng chỉ se một chiều... Cỡ chỉ, màu sắc cũng phải phù hợp với từng loại quần áo khác nhau.

Tại làng Đông Cứu có nghệ nhân Vũ Văn Giỏi (sinh năm 1974) đã bắt tay vào nghiên cứu, phục dựng các trang phục cung đình từ năm 1993. Thông qua các tư liệu lịch sử thu thập được từ các nhà sử học, nhà nghiên cứu, sưu tầm trang phục cung đình, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã phục dựng được hàng chục bộ long bào thể hiện chuẩn mực về mỹ thuật theo nguyên bản mẫu cổ. Các sản phẩm thêu đã được trưng bày ở một số nước trên thế giới, một số trang phục cung đình được trưng bày ở bảo tàng Huế.

“Nghề thêu long bào cũng dần mất đi cùng với những triều đại phong kiến. Đến nay, dân làng thêu Đông Cứu chuyển sang chuyên cung cấp mặt hàng khăn chầu, áo ngự phục vụ cho lễ hầu đồng hay các đồ trang trí nội thất, lễ hội cho cả nước. Nghề thêu tuy vất vả nhưng đem lại thu nhập tốt cho người dân. Việc phát triển nghề thêu vừa giúp ổn định kinh tế, vừa khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống”, ông Hệ nhận xét.


Ông Nguyễn Thế Du, Chủ tịch Hội nghề thêu truyền thống Đông Cứu giới thiệu sản phẩm thêu đặc trưng của làng. Ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức.

Tại một xưởng trong làng, bà Ngô Thị Sim, người có gần 50 năm theo nghề cho biết: “Tôi được bố mẹ truyền nghề từ khi còn nhỏ. Hầu hết những đứa trẻ sinh ra và lớn lên tại Đông Cứu đều biết nghề truyền thống của quê hương. Bây giờ nhiều cháu mở xưởng, có cách làm tân tiến, nhanh nhạy với thị trường, đem lại thu nhập rất tốt”.

Những năm gần đây, làng nghề có bước phát triển nhảy vọt, số lượng đơn hàng tăng lên đáng kể, thợ thêu có thu nhập ổn định. Theo thông tin từ UBND xã Dũng Tiến, làng Đông Cứu có 572 hộ, tới 90% số hộ làm nghề thêu. Trong đó, hơn 100 cơ sở thêu lớn. Các cơ quan chức năng cũng hỗ trợ kinh phí mở một số lớp nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu như trước đây, nghề thêu là nghề tay trái của người làng thì từ năm 1995 đến nay, nghề thêu đã giúp nhiều gia đình đổi đời, trở thành nghề chính.

Theo THU TRANG (Báo Tin tức)