Độc đáo nghề tranh kiếng

21/01/2024 - 17:04

 - Trải qua nhiều thăng trầm, nghề tranh kiếng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát triển. Nhiều nghệ nhân luôn mang trong mình lòng yêu nghề, tâm huyết, quyết tâm bám nghề, “giữ hồn” cho nghề truyền thống, góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc…

Từng là một trong những nghề truyền thống phát triển bậc nhất trong những năm 1990, nghề vẽ tranh kiếng trở thành một nét độc đáo nhất, nhì của vùng đất giàu truyền thống cách mạng Chợ Mới.

Nhiều nghệ nhân làng nghể kể rằng, nghề vẽ tranh kiếng xuất hiện vào khoảng đầu những năm 1950 và phát triển mạnh ở An Giang, do quán tính người dân các tỉnh Nam Bộ...

Thời kỳ thịnh đạt nhất của nghề tranh kiếng là từ năm 1995 đến 1998, lúc này huyện Chợ Mới có hơn 1.000 hộ làm nghề, thu hút hàng ngàn lao động nhàn rỗi tại địa phương và các vùng lân cận đến tham gia. Nhưng từ năm 1999 đến nay, sức tiêu thụ tranh kiếng giảm mạnh khiến nhiều người phải bỏ nghề. Hiện, các làng nghề truyền thống chỉ còn hơn chục hộ gia đình bám trụ.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, chủ cơ sở sản xuất tranh kiếng Thanh Hòa (ngụ ấp Long Tân, xã Long Điền B) là một trong những người còn gìn giữ nghề truyền thống độc đáo này.

 “Hồi đó, làng nghề “sung” lắm, có đến mấy trăm hộ hành nghề tại các xã Long Điền B, Long Kiến, Long Giang. Tranh kiếng khi đó thịnh hành, nên các cơ sở làm ngày không “xuể”, làm cả ban đêm, nhất là dịp Tết, giờ thì chỉ còn vài hộ sản xuất cầm chừng để sống và giữ nghề của cha ông để lại” - ông Nguyễn Thanh Hòa chia sẻ.

Hiện nay, cơ sở tranh kiếng của ông Hòa sản xuất hàng trăm mẫu với nhiều kích cỡ khác nhau. Ngoài tranh thờ Cửu huyền thất tổ, tranh Phật, tranh thần độ mạng, còn có các loại tranh trang trí vẽ theo phong cách mới, đề tài rất phong phú, như: Tấn tài tấn lộc, ơn nghĩa sinh thành, mã đáo thành công, tứ linh và các tranh phong cảnh …

Ðể bắt kịp xu thế, các cơ sở đã không ngừng đổi mới, cải tiến mẫu mã, chất liệu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Những thay đổi đã góp phần vực dậy sản phẩm truyền thống này.

Theo ông Hòa, ngày xưa tranh kiếng làm thủ công phải vẽ sơn tô từng nét rất kỳ công. Còn hiện nay đa số được thiết kế trên máy vi tính với kỹ thuật tách màu in lụa, mỗi ngày có thể cho ra hàng chục bức tranh theo mẫu, nhưng độ tinh xảo cũng không kém, giá thành lại rẻ nên đáp ứng được thị trường. Tuy nhiên, những tác phẩm làm thủ công vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường, dù giá thành có thể cao gấp 4 -5 lần so với kéo lụa.

Để hoàn thành một sản phẩm tranh kiếng thủ công, nghệ nhân phải tỉ mỉ, trải qua rất nhiều công đoạn. Vì thế, tranh kiếng thủ công thường chỉ làm theo đơn đặt hàng, yêu cầu của khách nên đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu về hội họa, khéo tay và trí tưởng tượng phong phú. Đặc biệt, người thợ phải thật sự thả hồn vào tác phẩm, với những nét vẽ uyển chuyển, dứt khoát, để tạo ra những tác phẩm đặc sắc, đáp ứng được yêu cầu của khách.

TRUNG HIẾU