Nét độc đáo của nghề dệt thổ cẩm là người Chăm vẫn còn giữ nguyên kỹ thuật dệt thủ công truyền thống, từ nhuộm, suốt, mắc sợi, dệt thành phẩm, nhất là tạo hoa văn trực tiếp ngay trên khung dệt.
Hoa văn trên thổ cẩm Chăm rất phong phú và đa dạng. Ngoài giá trị về mặt thẩm mỹ, còn hàm chứa ý nghĩa, triết lý trong đời sống tâm linh xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm.
Cũng như các làng Chăm khác ở An Giang, trước đây, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở xã Châu Phong phát triển hưng thịnh, hình thành cả “làng thổ cẩm” vang danh. Sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ sinh hoạt hàng ngày, mà còn được bán đi nhiều nơi.
Phụ nữ Chăm lớn lên, biết dệt thổ cẩm nói riêng và những kỹ năng nữ công nói chung là “thước đo” để đánh giá sự đảm đang, khéo léo… Tuy nhiên, hiện nay, thế hệ trẻ được học tập, đi làm ngoài xã hội, ít ai còn mặn mà với nghề truyền thống. Việc dệt thổ cẩm giảm bớt nhân lực, “làng thổ cẩm” thu hẹp chỉ còn vài thợ lớn tuổi đeo nghề.
Nhà của ông Mohamad, đồng thời là cơ sở dệt thổ cẩm còn hoạt động ở xã Châu Phong. Để trụ lại với nghề qua dòng chảy thời gian, ông bày trí không gian thành điểm tham quan cho du khách tìm hiểu về thổ cẩm của đồng bào.
Quy trình và toàn bộ dụng cụ sản xuất được trưng bày gói gọn trong không gian nhỏ, là nơi của các thợ dệt làm việc hàng ngày và cho khách tham quan thực tế.
Bên trong nhà, có thêm góc tái hiện công đoạn suốt thủ công. Hình ảnh người phụ nữ Chăm bên khung cửa sổ cũng là hình ảnh đặc trưng từ xưa, với thói quen sống khép kín, chuyên tâm rèn luyện các công việc khéo tay để chăm sóc gia đình.
Cạnh đó là phòng cưới đúng theo mẫu truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm. Khách tham quan không chỉ được thuyết trình về các nghi lễ, tập tục đặc thù , mà còn được trải nghiệm dịch vụ mặc thử trang phục cưới, chụp ảnh lưu niệm…
Hướng đi riêng giúp ông Mohamad vừa giữ lại nghề truyền thống, vừa là làm kinh tế từ văn hóa của chính cộng đồng mình. Hiện nay, cơ sở của ông còn phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, nghiên cứu nguyên liệu để làm ra sản phẩm xứng tầm, chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường.
Vẫn là thổ cẩm với màu sắc, hoa văn, họa tiết độc đáo từ hình thoi, kẻ sọc, ô vuông, răng cưa… giờ không còn giới hạn trong váy, áo, xà- rông, nón… mà đã cải tiến thành balo, túi xách, ví, móc khóa…
Các họa tiết trên thổ cẩm nay được sáng tạo nhiều hơn, sinh động, mềm mại… Trong đó, phần lớn sản phẩm được sản xuất ngay tại cơ sở. Số khác được ông Mohamad mua thêm từ các nơi chuyên sản xuất mặt hàng thổ cẩm, để phục vụ thị hiếu của đại đa số khách hàng.
MỸ HẠNH