Đọc sách online

28/06/2021 - 04:08

 - Với sự hỗ trợ từ những thiết bị, như: điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng... những người yêu thích đọc sách nhưng không có điều kiện mua sách vẫn có thể đọc sách qua mạng. Điều này hoàn toàn phù hợp trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hạn chế tập trung đông người. Ngồi ở nhà vẫn có thể đọc những quyển sách hay, trau dồi kiến thức…

Mang lại nhiều tiện ích

Khái niệm đọc sách online từ sách điện tử (ebook), đến sách nói (audiobook) không còn xa lạ với nhiều người, nhất là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên. Trong thời buổi công nghệ phát triển, hàng loạt trang mạng, ứng dụng cung cấp các đầu sách online đủ các thể loại xuất hiện rất nhiều. Có loại sách được đọc miễn phí, có loại phải trả thêm một khoản phí hoặc đăng ký thành viên để kết nối dài lâu…

Tiện ích lớn nhất là chỉ cần có một thiết bị công nghệ kết nối internet được là người dùng có thể tìm được những đầu sách yêu thích của mình. Mọi người có thể đọc trực tuyến hoặc tốn khoản phí nhất định để tải sách về đọc và lưu trữ làm tài liệu nghiên cứu.

Cái hay của việc đọc sách online còn thể hiện ở chỗ người dùng có thể tương tác trực tiếp với tác giả sách hoặc chia sẻ cảm nhận của mình với những bạn đọc khác trên các diễn đàn. Đây là cách để kết nối những người yêu sách lại với nhau, cũng như truyền cảm hứng đọc sách đến với nhiều người hơn.

Đọc sách online là xu thế phù hợp, nhất là trong mùa dịch bệnh

Bạn Phạm Phúc Hân (sinh viên ngành Văn học của Trường Đại học Cần Thơ, TP. Cần Thơ) đầu tư hẳn một thiết bị để có thể đọc sách thời gian dài mà không mỏi mắt, lại tiện dụng. Ngành học của Hân đòi hỏi phải đọc nhiều đầu sách khác nhau, đủ thể loại để xây dựng vốn từ ngữ, cũng như kiến thức phục vụ học tập.

“Đọc sách giấy đúng là có cảm nhận khác, nhưng đôi lúc cũng không tiện dụng vì phải đem theo nặng hoặc giá tiền cao. Bởi vậy, trước tiên khi tìm loại sách nào, em đều xem thử có bản online, sau đó sẽ tìm đọc. Đối với một số loại sách phải trả phí để cùng nhà cung cấp chia sẻ tác quyền với tác giả, em cũng sẵn sàng. Đối với những quyển sách hay, em vẫn muốn mua sách để có thể lưu trữ lại” - Hân chia sẻ.

Độc giả chỉ cần vào Google gõ từ khóa “đọc sách online” sẽ thể hiện rất nhiều kết quả, với hàng trăm trang web khác nhau. Do vậy, người đọc cần cân nhắc kỹ lưỡng, tìm những nguồn sách chính thống, phù hợp với tâm lý, độ tuổi, bản quyền tác giả… Chỉ như vậy, mới có thể phát huy hết lợi ích của sách, dù là sách giấy hay sách online vẫn giúp trau dồi kiến thức, vốn sống…

Thay đổi hình thức kết nối với độc giả

Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng, hoạt động của Thư viện tỉnh bị gián đoạn, hiện đang tạm ngưng phục vụ để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Việc tổ chức phục vụ bằng hình thức video giới thiệu sách trên các kênh Fanpage của Facebook, YouTube… được Thư viện tỉnh thực hiện nhiều trong thời gian qua.

Theo Giám đốc Thư viện tỉnh An Giang Nguyễn Thùy Trang, ngoài các video giới thiệu sách thì Thư viện tỉnh còn thực hiện các video sách nói kèm thêm hình ảnh minh họa, để có được hình ảnh trực quan, thu hút các em. Những video giới thiệu sách hay sách nói đều được chia sẻ trên kênh YouTube, Facebook của thư viện, thu hút sự quan tâm, theo dõi của độc giả. Qua đó, nhận được rất nhiều bình luận tích cực, mong muốn có thêm nhiều video trong thời gian tới để phục vụ bạn đọc.

Công tác chuẩn bị sản xuất một video cần thời gian khoảng 1 tuần, từ chuẩn bị hình thức, lẫn nội dung để đưa ra một sản phẩm hoàn thiện nhất, giúp bạn đọc có thể thưởng thức một cách hấp dẫn nhất. “Về công tác chuẩn bị, trước khi chọn 1 quyển sách để giới thiệu hay thực hiện sách nói sẽ lựa chọn theo chủ đề trong tháng hoặc sự kiện nào đó của tháng, tuần… Chẳng hạn, trong tháng 6 này, chúng tôi hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, nên Thư viện tỉnh đã chọn các quyển sách kỹ năng sống với trẻ em để thực hiện, nhằm trang bị kiến thức tự bảo vệ cho trẻ em trong mùa hè này” - bà Trang thông tin.

Thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì phong trào đọc sách trong dịch bệnh COVID-19, Thư viện tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động, chủ yếu với hình thức trực tuyến để tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa sách với người đọc, khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Để văn hóa đọc phát triển, lan tỏa trong cộng đồng thì từ lứa tuổi nhỏ, các em phải được làm quen với sách, được cha mẹ, thầy cô hướng dẫn cách chọn sách và phương pháp đọc sách hiệu quả. Từ đó hỗ trợ học tập, trau dồi kiến thức, khơi dậy niềm đam mê đọc sách…

ÁNH NGUYÊN