Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, những năm qua, ngành VH-TT&DL luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung nhiều nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Nổi bật là công tác tuyên truyền chào mừng kỷ niệm các ngày lễ và tham mưu tổ chức các sự kiện lớn, trọng đại của đất nước, của tỉnh.
Đồng thời, tích cực tham gia các hội thi, hội diễn, văn nghệ đặc trưng trong và ngoài tỉnh, với sự chuẩn bị chu đáo, công phu và được tổ chức thành công, đạt nhiều giải thưởng, nội dung biểu diễn có nhiều tính sáng tạo, đổi mới, vừa mang ý nghĩa phục vụ nhiệm vụ chính trị cũng như quảng bá, giới thiệu hình ảnh VHNT của địa phương đến với công chúng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân.
Năm 2022, Sở VH-TT&DL phối hợp tổ chức tốt các hoạt động VHNT, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại của tỉnh và đất nước, lễ hội truyền thống địa phương, như: Chương trình nghệ thuật “Chào năm mới”; Ngày hội VH-TT&DL đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang lần thứ IX/2022; Hội thi tổ chức các hoạt động tuyên truyền lưu động tỉnh An Giang lần thứ II/2022; Liên hoan Đờn ca tài tử và trích đoạn cải lương tỉnh An Giang lần thứ III/2022; Ngày hội Sách tỉnh An Giang lần thứ I/2022; Liên hoan các Nhóm nhạc mở rộng tỉnh An Giang lần thứ VI/2022…
Bên cạnh đó, đăng cai tổ chức thành công Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022 và triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền về “Văn hóa ứng xử, đạo đức lối sống, con người Việt Nam”; “thực hiện nếp sống văn minh, đời sống văn hóa lành mạnh”. Đặc biệt, phối hợp các ngành, đơn vị và địa phương tổ chức thành công Lễ kỷ niệm chào mừng 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022)...
Công tác tổ chức các hoạt động VHNT, tuyên truyền cổ động, triển lãm, thông tin lưu động cơ bản đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn di sản văn hóa, quản lý và tổ chức lễ hội, bảo vệ di sản, trùng tu, tôn tạo di tích được chú trọng và triển khai tích cực.
Nhiều loại hình di sản văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc được ngành chú trọng bảo tồn và thường xuyên được tổ chức, như: Truyền dạy nghệ thuật điêu khắc kinh lá buông, nghệ thuật trình diễn đàn Chà Pây, truyền dạy nhạc ngũ âm cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, đờn ca tài tử Nam Bộ, hát bội, dân ca… Các lễ hội văn hóa được bảo tồn và từng bước nâng chất, đưa vào những nội dung mới, thiết thực làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.
Năm 2022, Trung tâm VHNT tỉnh An Giang đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện hoạt động chuyên môn, với nhiều đổi mới, sáng tạo, phù hợp thực tiễn. Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giám đốc Trung tâm VHNT tỉnh An Giang Nguyễn Văn Đông cho biết, ngay từ đầu năm, trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền chi tiết, sát với yêu cầu, nhiệm vụ và chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, đảm bảo việc tuyên truyền kịp thời, hiệu quả, với nội dung tuyên truyền tập trung chủ yếu vào các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh, địa phương.
Năm qua, trung tâm tham gia biểu diễn trực tiếp, biểu diễn (ghi hình, thu âm) để phát trực tuyến trên trang Fanpage và YouTube của đơn vị; thực hiện hoạt động hỗ trợ các ban ngành trong tỉnh tổ chức chương trình văn nghệ và giao lưu văn nghệ, với 213 buổi phục vụ gần 135.000 lượt người xem.
Đồng thời, phát hành 3 file tài liệu tuyên truyền “An Giang đón chào năm mới - Xuân Nhâm Dần 2022”, “An Giang - 190 năm hình thành và phát triển” (tiếng Việt và tiếng Khmer), “Thành tựu An Giang đạt được trong 190 năm hình thành và phát triển”; 56 mẫu tranh cổ động, 8 mẫu băng-rôn, 7 mẫu pa-nô, 11 mẫu phướn cổ động đường phố về cơ sở để thực hiện công tác tuyên truyền.
Theo đó, phát hành 156 băng-rôn, 766 phướn, 43 pa-nô, 820 cờ màu cổ động tuyên truyền, trang trí cổ động trực quan trên các tuyến đường lớn nội ô TP. Long Xuyên. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức 46 cuộc triển lãm trong tỉnh (2 cuộc tại TP. Long Xuyên và 44 cuộc triển lãm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố) phục vụ khoảng gần 39.000 lượt người xem.
Trung tâm VHNT tỉnh An Giang đạt nhiều thành tích ấn tượng tại các hội thi, liên hoan, hội diễn cấp khu vực và toàn quốc. Tiêu biểu, đạt 2 giải A và 2 giải B tại Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ III/2022; đạt 1 huy chương vàng (HCV) không gian đờn ca tài tử, 1 huy chương bạc (HCB) chương trình, 1 HCV, 2 HCB tiết mục, tại Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2022; 1 HCV chương trình, 2 HCV, 2 HCB tiết mục, tại Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022; đạt 3 HCV, 1 HCB tiết mục và 1 chứng nhận Giải ban nhạc xuất sắc, tại Liên hoan Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông năm 2022; đạt HCV toàn đoàn và 2 HCV, 2 HCB các tiết mục, tại hội diễn “Hội tụ sông Hồng”; đạt giải A Liên hoan Nghệ thuật quần chúng trong khuôn khổ Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII/2022 tại tỉnh Sóc Trăng.
Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang Nguyễn Khánh Hiệp nhấn mạnh, thời gian tới, ngành VH,TT&DL tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực VHNT. Đồng thời, quan tâm xây dựng cơ chế quản lý, phát triển văn hóa cơ sở, bảo vệ và phát huy giá trị di tích văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; triển khai sâu rộng phong trào “Toàn dân xây dựng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Ngoài ra, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng sáng tạo về VHNT; đổi mới nội dung và đa dạng hình thức hoạt động tuyên truyền cổ động, triển lãm; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim kết hợp triển lãm lưu động nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh, đất nước… góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
TRUNG HIẾU