Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị

23/12/2022 - 07:25

Ngày 17/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Trung ương xác định rõ quan điểm về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, thận trọng, bước đi vững chắc và phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.

Có thể khẳng định, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã có nhiều đổi mới, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng được nâng cao. Bảo đảm thực hiện đúng cơ chế "Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".

Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII)

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy, tổ chức Đảng được tăng cường, từng bước khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của Đảng vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của Đảng được chú trọng.

Đồng thời, ban hành nhiều quy định, cơ chế để phát huy dân chủ, vai trò giám sát của cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng góp phần quan trọng nâng cao năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), bảo đảm quốc phòng-an ninh, đối ngoại, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ qua từng giai đoạn lịch sử. Lịch sử minh chứng, có những thời điểm cách mạng gặp khó khăn, khủng hoảng, thoái trào, thậm chí thất bại tạm thời. Không phải do sai lầm về đường lối, mà do phương thức lãnh đạo chưa phù hợp, chưa bắt kịp với sự thay đổi, vận động không ngừng của thực tiễn. Chính vì vậy, đổi mới phương thức lãnh đạo để phù hợp với những bước chuyển chiến lược trong tiến trình cách mạng và sự phát triển của đất nước, được Đảng ta xem là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Đại hội XIII của Đảng thể hiện bước phát triển quan trọng trong quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng, nhấn mạnh phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo trong điều kiện mới. Trên cơ sở tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), nổi bật như việc lập lại Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, chuyển Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư trực tiếp làm trưởng ban. Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; ban hành và chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng-an ninh, đối ngoại và đổi mới xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện... KTXH không ngừng phát triển, quốc phòng-an ninh được bảo đảm, đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt đẹp và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

6 giải pháp trọng tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng được Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra, gồm: Đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở…

Nghị quyết 28-NQ/TW nhấn mạnh yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát. Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.

Nghị quyết chắc chắn sẽ tạo được thành tựu mới, đột phá mới, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị; bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của giai cấp, của dân tộc.

H.C