Đội quân cấy dừa cạn

22/01/2020 - 04:08

 - Những cánh đồng hoa dừa cạn đẹp ngút ngàn xuất hiện ngày càng nhiều trong tỉnh vô tình trở thành “điểm hẹn” thu hút khách thập phương đổ xô về tham quan chụp ảnh. Đằng sau hình ảnh đó, có cái đẹp còn quý hơn, chính là tấm lòng thơm thảo của bà con nông dân góp công gieo trồng, chăm sóc để thu về nguồn dược liệu cho các nhà thuốc nam phục vụ mục đích chữa bệnh. Hàng trăm người thiện nguyện, phần lớn là các bô lão tập hợp thành “đội quân” hùng hậu là tác giả của những đồng hoa rực rỡ sắc màu. Từng công việc nhỏ được phân công, điều động nhịp nhàng bởi ông Bùi Hữu Hiền và bà Nguyễn Thị Thu Vân – 2 “thủ lĩnh” gắn bó hơn nửa đời người với các việc từ thiện.

Đội hình cấy dừa cạn nhộn nhịp trồng vụ hoa mới.

Sắc màu rực rỡ trên các cánh đồng.

Chung lý tưởng giúp đời

Ông Bùi Hữu Hiền, ngụ xã Phú Hưng, năm nay 60 tuổi, là một trong những người khởi xướng trồng dừa cạn ở huyện Phú Tân (An Giang). Dạo trước, nguồn dược liệu có được chủ yếu nhờ bà con đi tầm ở các nơi. Bệnh nhân ngày càng nhiều, khi họ tìm đến nhà thuốc nam xem như là tia hy vọng cuối cùng, trong khi thuốc ngày càng khan hiếm, ông Hiền bèn thuê 1 công đất trồng dừa cạn.

Qua nhiều vụ, bà con xung quanh ủng hộ bằng cách cho thuê đất giá rẻ, cho mượn đất theo vụ, rồi tặng luôn mấy ha để mở rộng diện tích. Các vùng trồng dược liệu nở rộ khắp xã, thị trấn ở Phú Tân, tận dụng cả ven lộ, vườn nhà, bờ đê… hưởng ứng theo phát động của Hội Đông y, Hội Chữ thập đỏ và những người đã trồng trước đó.

Cùng mục đích như ông Hiền, khoảng 10 năm trước, bà Nguyễn Thị Thu Vân (xã Bình Thạnh Đông) lập nhóm từ thiện đi tìm nơi trồng dừa cạn để hỗ trợ nguồn dược liệu cho em trai là thầy thuốc Tư Ngoan (xã Bình Thủy, Châu Phú) chữa bệnh miễn phí cho bà con.

Khởi đầu, họ cấy dừa cạn ở vùng núi Dài 5 Giếng và Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tịnh Biên. Mỗi năm trồng được 20 công, thu hoạch xong chừa hạt lại tiếp tục ươm giống. Khi biết được việc nghĩa do nhóm bà Vân đang làm, nhiều người đã tự liên hệ cho mượn đất.

Nỗi trăn trở về nhân lực, đất trồng được tháo gỡ, đội từ thiện của ông Hiền và bà Vân hợp sức thành một, di chuyển khắp trong và ngoài tỉnh, mỗi năm trồng được trăm tấn dược liệu tiếp sức cho nhà thuốc.

Khắp từ huyện Chợ Mới, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Phú, An Phú, TP. Long Xuyên, Phú Tân cho đến ngoài tỉnh như Cần Thơ, Đồng Tháp lần lượt rộ lên những đồng dừa cạn thơm ngát tình người.

Mỗi đợt trồng hoa xuất phát điểm từ khâu nhổ mạ ở xã Bình Thủy (Châu Phú, An Giang), nơi có 6 công đất dành riêng cho việc ươm dừa cạn cùng các loại dược liệu được anh út Tích hiến tặng và chăm sóc.

Hay tin ở đâu có nông dân cho mượn đất, trước ngày “xuất quân”, ông Hiền thông báo đến các đầu mối để huy động lực lượng. Rất nhanh chóng, hôm sau hàng trăm người có mặt chia theo từng tổ: phục vụ nước uống, cơm, bún, lao động chính, phân phát dụng cụ… răm rắp vào guồng việc.

Một số người phụ trách quan sát quanh khu đất, nhắc nhở chỗ cần trồng thưa hoặc dày, điều chỉnh ngay hàng thẳng lối để tiện cho việc chăm sóc, tưới tiêu. Từ khâu vận chuyển cây con đem trồng cho tới cuối vụ thu hoạch lên ghe, xe tải chở về nhà thuốc, phần lớn do “dây chuyền” thủ công bởi hàng người nối dài thực hiện.

Tuy hầu hết là các bác, cô, chú lớn tuổi, sức khỏe và sự nhanh nhẹn không bằng thanh niên nhưng nhờ số lượng đông đảo nên loáng trong nửa buổi là xong hết mọi việc. Một vụ trồng như vậy có từ 150 - 300 người tham gia, duy trì suốt nhiều năm qua bởi tinh thần chung là làm việc thiện vì cộng đồng xã hội.

Những tấm lòng nở hoa

Ngắm những đồng hoa bung sắc lung linh ai cũng khấp khởi vui mừng. Hàng chục năm qua, không riêng dừa cạn, đội quân từ thiện còn trồng rất nhiều loại dược liệu cần số lượng lớn như: dâu tằm, ké đầu ngựa, rau bợ, ngưu tất, nghệ...

Dừa cạn được trồng diện tích nhiều nhất bởi là thành phần trong đơn thuốc hỗ trợ chữa bệnh gan, ung thư. Cây sinh trưởng rất khỏe, trồng thuận lợi nhất vào vụ đông xuân, chỉ sau 1 tháng đã nở hoa dày đặc và hơn 3 tháng là thu hoạch. Chi phí ăn uống, mua rơm trong mỗi đợt trồng do ông Hiền và bà Vân bỏ tiền túi hoặc bà con hùn lại đóng góp.

“Hô lên ở đâu chuẩn bị làm là chị em xúm xít rủ nhau đi, tự túc xe cộ “1 chở 1”, chỗ nào xa thì thuê xe lớn. Tinh thần chính là tự nguyện để giúp cộng đồng, lấy đó làm niềm vui cho cuộc sống của chính mình, hễ vui là không còn thấy mệt” – bà Vân chia sẻ.

Theo đội cấy dừa cạn hơn chục năm nay phục vụ nước uống, bà Phạm Thị Quyển không nhớ nổi 1 năm tham gia bao nhiêu chuyến đi, chỉ riêng năm nay đã trồng được hơn 100 công.

Bà Quyển hóm hỉnh nói: “Tuổi già ngồi lâu cũng mỏi lưng, nhưng chắc làm việc thiện nên trời thương, xong việc là cái mệt nó tan biến đi đâu mất. Làm đến khi nào không nổi thì thôi, mình giúp đời lúc này, đến lượt mình gặp khó sẽ có người giúp lại”.

Câu chuyện về những đồng dừa cạn được viết nên bởi rất nhiều người đóng vai trò khác nhau. Người cho đất, người bỏ công, góp tiền đầu tư hệ thống tưới tự động, ai gần ruộng thì đảm nhận bắt sâu, nhổ cỏ, bón phân. Không quản ngại tuổi già đối diện đường xa hay mưa nắng, những đôi tay chai sần và chiếc lưng còng vẫn miệt mài với niềm vui tìm thấy trong việc mình làm.

Ông Hiền tâm đắc: “Vui nhất là có nhiều bà con sau thời gian theo đội từ thiện trở về rủ thêm lối xóm tự trồng dừa cạn thu hoạch đem tới nhà thuốc. Có chủ đất sẵn sàng bỏ qua lợi nhuận hơn trăm triệu đồng/vụ trồng lúa để nhường lại cho đội phát triển dược liệu.

Lại có một số người trẻ tuy vẫn lo chuyện làm kinh tế trong gia đình nhưng đến ngày tập hợp là họ có mặt”. Không lộng lẫy như những loại hoa kiêu sa, cũng không hái ra tiền vì mục đích kinh tế, những ruộng hoa dừa cạn chỉ mang vẻ đẹp dung dị vẫn có giá trị riêng, biểu trưng cho vẻ đẹp của lòng người, vì đời mà lan tỏa hương sắc.

MỸ HẠNH