Đội tuyển Việt Nam thời 'hậu Troussier': Bài học lớn về mục tiêu và con đường

31/03/2024 - 09:07

Thất bại cay đắng trước Đội tuyển Indonesia ngay tại Mỹ Đình trong khuôn khổ vòng loại thứ 2 World Cup 2026 là 'giọt nước làm tràn ly' dẫn đến việc huấn luyện viên Philippe Troussier chia tay Đội tuyển Việt Nam. Kết cục này là tất yếu, song bóng đá Việt Nam rút ra được những kinh nghiệm gì từ nhiệm kỳ đáng quên của ông Troussier mới thật sự là điều quan trọng!

Nhiệm kỳ của ông Troussier kết thúc trong nỗi buồn. Ảnh: Goal

Ông Troussier thất bại là... tất nhiên

Trận đấu cuối cùng của huấn luyện viên Philippe Troussier có thể xem là một bản tổng kết đầy đủ cho những gì đã xảy ra với Đội tuyển Việt Nam trong thời gian nhà cầm quân người Pháp nắm quyền. “Những chiến binh sao vàng” thi đấu rời rạc, thiếu ý tưởng và dễ dàng gặp tổn thương trước những đợt tấn công của đối thủ. Hàng công không tìm được sự kết nối, trong khi hàng thủ mắc nhiều sai lầm. Tinh thần của các cầu thủ cũng là vấn đề lớn khi không có một cá nhân nào đủ sức “thắp lửa” khi tập thể gặp khó khăn.

Trong bối cảnh đó, trách nhiệm của người cầm quân là điều không ai có thể phủ nhận. Ông Troussier tiếp tục gây tranh cãi vì những quyết định nhân sự của mình, trong đó, nổi bật nhất là việc không sử dụng Quang Hải. Chiến lược gia người Pháp cũng không đưa ra được một bài vở cụ thể nào để giúp lối chơi của các học trò trở nên trơn tru, hiệu quả hơn. Tóm lại, ông Troussier đã hoàn toàn bất lực trong trận chiến cuối cùng của mình!

Việc chỉ trích một huấn luyện viên khi đội bóng thất bại là điều dễ dàng nhất, song sẽ khách quan hơn nếu như nhìn nhận những gì xảy ra một cách toàn diện từ nhiều góc độ. Ông Troussier ra đi là điều tất yếu, bởi hiệu quả công việc ông đem lại không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, cái cách mà số đông dư luận đổ mọi trách nhiệm lên đầu nhà cầm quân người Pháp có lẽ là hơi thiếu công bằng. Thất bại của ông Troussier và những kết quả không như ý của Đội tuyển Việt Nam là điều tất yếu, được hình thành từ rất nhiều yếu tố đã tồn tại từ rất lâu.

Con đường nào để vươn tầm?

Xuyên suốt nhiệm kỳ của ông Troussier là những mâu thuẫn không thể giải tỏa. Giống như bất cứ huấn luyện viên nào mới lên ghế nóng, nhà cầm quân người Pháp mong muốn áp đặt triết lý và tư duy của mình lên đội bóng mà ông nắm quyền. Điều đó dẫn đến việc ông Troussier trọng dụng những cầu thủ trẻ đã từng gắn bó với ông trước đây, đồng thời giảm vai trò của những cựu binh dày dạn kinh nghiệm vốn đã quá quen với cách vận hành hệ thống của huấn luyện viên Park Hang-seo và không còn ở lứa tuổi phù hợp với việc thay đổi phong cách.

Nhưng kế hoạch của ông Troussier đã sớm gặp vấn đề. Những cầu thủ trẻ mà ông yêu thích như Tuấn Tài, Minh Trọng, Đình Bắc, Thái Sơn... chưa có đủ kinh nghiệm để vươn lên trở thành những trụ cột của đội tuyển. Trong khi đó, những kết quả ban đầu không như ý khiến ông Troussier dần chịu áp lực lớn trong việc phải đưa các ngôi sao như Hùng Dũng, Quang Hải, Hoàng Đức vào đội hình. Nhà cầm quân người Pháp trở thành mục tiêu công kích của giới truyền thông cũng như người hâm mộ khi “bảo thủ” và “không chịu tiếp quản một di sản thành công”. Trong làn sóng công kích ấy, nhiều người dường như đã bỏ qua việc hầu hết các tuyển thủ trụ cột dưới thời thầy Park đang ở trong giai đoạn phong độ đi xuống hoặc dính chấn thương. Bên cạnh đó, câu hỏi đặt ra là sự thay đổi sẽ diễn ra như thế nào, nếu toàn bộ di sản từ nhân sự đến lối chơi đều được giữ nguyên?

Vai trò của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ở giai đoạn này đã không được thể hiện rõ ràng. Nhà cầm quân người Pháp cần sự bảo vệ lớn hơn từ những người đã lựa chọn ông, đặc biệt trong giai đoạn chuyển giao còn rất nhiều chệch choạc. Nhưng điều đã xảy ra là nhà cầm quân người Pháp phải một mình chống đỡ với tất cả, từ truyền thông cho đến người hâm mộ. Sự phản kháng đôi khi cực đoan đã khiến hình ảnh của ông Troussier ngày càng xấu dần đi và khiến ông gần như không còn một sự ủng hộ nào trong chặng đường cuối của mình, thậm chí ngay chính trong nội bộ đội tuyển.

Khi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đều không có, mọi thứ với ông Troussier thật sự quá khó khăn. Sự kết hợp muộn màng giữa các cầu thủ trẻ và dàn cựu binh cho thấy rõ độ “lệch pha”, dẫn đến những màn trình diễn vô cùng kém cỏi, đáng thất vọng. Việc chia tay ông Troussier là điều đúng đắn nhất phải làm, nhưng đằng sau những hả hê và chỉ trích, có những bài học lớn mà bóng đá Việt Nam phải rút ra.

Ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF cho biết, nếu chưa chọn được người phù hợp ngay lập tức, Liên đoàn sẽ bổ nhiệm huấn luyện viên tạm quyền cho Đội tuyển Việt Nam. Nhiều ứng viên đang được đề cập tới như ông Chu Đình Nghiêm, Velizar Popov hay Hoàng Anh Tuấn.

Theo HOÀNG HẢI (Báo Biên Phòng)