Đồng bào dân tộc thiểu số Chăm chung tay xây dựng nông thôn mới

31/01/2020 - 02:55

 - Nhờ nông thôn mới (NTM) mà cầu - đường - trường - trạm được xây mới kiên cố, lộ nông thôn được thắp sáng đến các xóm, ấp và người dân ý thức bảo vệ môi trường từ nhà đến làm đẹp cả khu dân cư... nên khoảng cách giữa thành thị - nông thôn đang thu hẹp từng ngày. Tất cả là nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, trong đó có sự chung tay đóng góp rất tích cực của bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm.

Tháng 10-2019, xã Châu Phong (TX. Tân Châu, An Giang) được công nhận xã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM. Đây được xem là nỗ lực rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Châu Phong.

Là địa phương có đông đồng bào DTTS Chăm sinh sống (chiếm khoảng 18% dân số của xã), chủ yếu là mua bán, làm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với các nghề truyền thống: thêu, dệt thổ cẩm... từ năm 2011, khi bắt tay vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Châu Phong có xuất phát điểm thấp, với rất nhiều khó khăn.

Không nản lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Châu Phong lại lấy đây làm động lực xây dựng NTM, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Chủ tịch UBMTTQVN xã Châu Phong Nguyễn Văn To cho biết, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở xã Châu Phong thường xuyên đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt tôn giáo tại các thánh đường.

“Thông qua các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín để tranh thủ động viên các vị tín đồ, người dân tham gia hưởng ứng việc xây dựng NTM ở địa phương. Nhờ vậy các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM đều được hoàn thành đúng lộ trình đề ra, đời sống người dân không ngừng được nâng lên” - ông To giải thích.

Đồng bào dân tộc thiểu số Chăm giữ gìn và phát triển nghề truyền thống

Đồng bào DTTS Chăm còn thực hiện mô hình “Khu dân cư tự quản về vệ sinh môi trường, trật tự xã hội”, hệ thống đèn chiếu sáng nông thôn được thực hiện 100% ở các ấp, tạo mỹ quan về đêm.

Theo ông Gosaly, Chánh Văn phòng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh, ngoài sinh hoạt tôn giáo, các vị chức sắc, chức việc còn lồng ghép phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và địa phương, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng thêm lòng tin của cộng đồng dân tộc đối với Đảng, nhà nước. Từ đó, tạo được sự đồng thuận trong bà con cộng đồng DTTS Chăm trên địa bàn.

“Tuyên truyền, vận động bà con mình làm theo những chỉ tiêu của nhà nước như: vệ sinh môi trường, quét dọn nhà cửa từ nhà đến khu dân cư cho sạch sẽ, dựng cột cờ, bảo hiểm y tế, giữ gìn an ninh trật tự và an toàn giao thông trong xóm làng và các tệ nạn xã hội. Qua đó, giúp cho bà con hiểu được lợi ích của chương trình NTM đối với đời sống của người dân, chỉ có hiểu bà con mới làm có hiệu quả được” - ông Gosaly chia sẻ.

Trong xây dựng NTM, cần lắm sự quyết tâm, đồng lòng của chính quyền và người dân. Chỉ khi nhận được sự đồng thuận và ủng hộ đến từ người dân thì chương trình NTM mới thực sự có ý nghĩa khi nâng cao trình độ dân sinh, dân trí, bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của đồng bào DTTS Chăm và hiện nay gia đình ông Mohamad (xã Châu Phong) là một trong số ít còn giữ được nghề của dân tộc mình.

Khi NTM được triển khai và thực hiện ở xã Châu Phong đã tạo thêm điều kiện cho gia đình ông phát triển kinh tế cũng như gìn giữ những bản sắc truyền thống của làng nghề. Đó là đường sá được thông thương, thêm được cơ hội để phát triển du lịch làng nghề cho các đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm.

“Cơ sở không chỉ sản xuất các sản phẩm truyền thống, mà mỗi khi có khách du lịch đến tham quan tôi luôn rất vui, sẵn sàng giới thiệu những nét văn hóa và sinh hoạt cộng đồng của người Chăm. Chúng tôi luôn mong muốn đóng góp ngành nghề này vào phong trào NTM ở địa phương thêm khởi sắc” - ông Mohamad (Chủ cơ sở dệt thổ cẩm xã Châu Phong) phấn khởi cho biết.

ÁNH NGUYÊN