Đóng góp Luật Phòng không nhân dân

09/10/2024 - 05:20

 - Quản lý, bảo vệ vùng trời là nhiệm vụ quan trọng, do nhiều lực lượng đảm trách. Luật Phòng không nhân dân (PKND) ra đời là cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng - an ninh, thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quang cảnh hội thảo lấy ý kiến luật

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật PKND để báo cáo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự án luật và làm cơ sở cho việc trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật PKND gồm 8 chương, 54 điều, quy định: Nguyên tắc tổ chức hoạt động PKND; chính sách của Nhà nước về PKND; nhiệm vụ PKND; trọng điểm PKND; hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động, hoạt động PKND; xây dựng, huy động lực lượng PKND... Đặc biệt, dự thảo luật dành riêng 1 chương quy định về việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với PKND và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ....

Đóng góp cho dự thảo luật, các đại biểu thống nhất cao việc ban hành Luật PKND, tên luật, bố cục các chương, điều, khoản. Tuy nhiên, tại Điều 2, đề nghị phần giải thích để trong ngoặc kép nhằm phù hợp quy định về hình thức, cấu trúc của dự án luật. Cũng điều này, tại Khoản 7, phần giải thích “phương tiện bay” khó hiểu, đề nghị điều chỉnh thành “phương tiện bay khác”.

Tại Điều 27 “Nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay”, đại biểu cho rằng, từ tiêu đề các nội dung quy định tại điều này liệt kê dài, nhưng vẫn chưa đầy đủ. Tại tiêu đề, đề nghị bỏ cụm từ “động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay”. Tại Khoản 1, Khoản 2, đề nghị bỏ 2 cụm từ “trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay của Bộ Công an” và cụm từ “trừ các cơ sở do Bộ Công an quản lý”.

Tại Khoản 1, Điều 29 (cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay), đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “mục đích sử dụng của tàu bay không người lái, phương tiện bay, khả năng quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay” và điểu chỉnh cụm từ “thông số kỹ thuật” thành “tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định” để thống nhất nội dung với quy định tại Điều 27. Điều 29, tại Điểm b, Khoản 2, đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay” sau cụm từ “Bộ Công an cấp phép bay” để giảm tải việc cấp phép các thiết bị bay, khi thực thi các quy định này sẽ mất thời gian và tốn kém nhân lực của Bộ Công an. Mặt khác, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của Nhân dân trong xu thế phát triển nhanh và mạnh mẽ tàu bay không người lái, phương tiện bay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tham gia đóng góp ý kiến, luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, thống nhất trên cơ sở xác lập lực lượng PKND bao gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi (lực lượng huy động và tự nguyện) để bảo đảm tính nguyên tắc, hợp lý. Về độ tuổi tham gia lực lượng PKND, đề nghị: Với lực lượng nòng cốt thì độ tuổi và các trường hợp miễn, giảm thực hiện theo quy định Luật Dân quân tự vệ; với lực lượng rộng rãi không giới hạn độ tuổi, mà căn cứ khả năng, tính chất nhiệm vụ tham gia, để bảo đảm phù hợp với truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc ta.

Thống nhất cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung bộ đội địa phương là lực lượng PKND nòng cốt, trong đó, có lực lượng phòng không của Bộ đội Biên phòng. Tại Khoản 1, Điều 4 dự thảo luật quy định “huy động nguồn lực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để thực hiện nhiệm vụ PKND”, đề nghị điều chỉnh thành “huy động nguồn lực của tổ chức, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ PKND”, vì nội hàm từ “tổ chức” đã bao gồm cơ quan, doanh nghiệp.

Cùng tham gia đóng góp dự thảo luật, đại biểu ngành công an thống nhất cao việc ban hành luật PKND. Để bảo đảm an ninh, an toàn hơn nữa, cần quy định cụ thể, nhưng bảo đảm pháp luật chặt chẽ, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp phép các thiết bị bay để tránh mất thời gian, tốn kém về nhân lực. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định các phương tiện bay siêu nhẹ, thiết bị bay, tàu bay không người lái, khi sử dụng tần số vô tuyến điện phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện, tránh gây nhiễu có hại, ảnh hưởng đến an toàn bay và các hệ thống thông tin vô tuyến khác.

Chủ trì buổi hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật PKND, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh ghi nhận sự đóng góp, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu. Có nhiều ý kiến đóng góp, bổ sung chất lượng, sát thực tế cho dự thảo luật. trong đó, một số ý kiến mới, giá trị, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến của đại biểu trình tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội.

N.R