Động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững đất nước

11/07/2023 - 08:18

Trong đường lối phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Ðảng, Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là “đột phá chiến lược” và là “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Sản xuất lắp ráp ô-tô tại Nhà máy Huyndai Hải Dương

Mục tiêu hướng đến là “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Ðịnh hướng và kỳ vọng đó đặt lực lượng khoa học và công nghệ trước những cơ hội và thách thức rất lớn phải đổi mới để phát triển nhanh, thực chất và bền vững hơn, đóng góp mạnh mẽ và hiệu quả hơn cho các mục tiêu quốc gia trong trung và dài hạn.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Nửa nhiệm kỳ vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện các định hướng lớn để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: Xây dựng và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; hoàn thiện hành lang pháp lý để triển khai việc tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Một trong những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 là phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Do đó, việc hoàn thiện chính sách nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ khuyến khích chuyển giao...

Ðặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để giải quyết các vướng mắc trong việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẩn trương ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 67/2022/TT-BTC hướng dẫn về nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Các quy định mới này đã trả lại vai trò tự chủ của doanh nghiệp trong việc quyết định nội dung và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ quỹ, làm rõ nhiều nội dung chi từ quỹ, nhất là chi cho việc mua máy móc, thiết bị để đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ.

Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 19 chương trình khoa học-công nghệ cấp quốc gia theo định hướng phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia và gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực.

Mục tiêu của việc tái cơ cấu hệ thống các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia là để phân bổ các nguồn lực đầu tư ngân sách cho hiệu quả, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tham gia chương trình.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, mục tiêu của việc tái cơ cấu hệ thống các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia là để phân bổ các nguồn lực đầu tư ngân sách cho hiệu quả, để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tham gia chương trình, từ đó tìm kiếm các giải pháp công nghệ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và để doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin, chủ động tiếp cận các nhà nghiên cứu, tổ chức khoa học phù hợp; từ đó tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan thiết kế các chính sách thúc đẩy “doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia”. Các hoạt động xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cũng như phát triển năng lực của viện nghiên cứu, trường đại học đều có một đích đến là tạo ra môi trường thông thoáng để kết quả nghiên cứu có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể kết hợp với viện, trường giải quyết vấn đề đổi mới công nghệ của mình.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, các chính sách thời gian qua đã cổ vũ doanh nghiệp lớn đầu tư cho khoa học, công nghệ. Năm 2022, các tập đoàn, công ty lớn như Viettel, VinGroup, Samsung... tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; góp phần làm gia tăng tỷ trọng đầu tư của doanh nghiệp và xã hội cho khoa học và công nghệ, mở ra triển vọng để Việt Nam có thể nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ quốc gia, rút ngắn khoảng cách với các nước khu vực và thế giới.

10 năm trước đây, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư xã hội). Hiện nay, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước, nhất là từ doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng chính.

Ông Hồ Xuân Vinh, Phó Giám đốc Công ty Hồ Hoàn Cầu cho biết, doanh nghiệp luôn chủ động đầu tư cho nghiên cứu, tạo ra sản phẩm mới, bên cạnh đó, còn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước khi có sáng chế được đăng ký, bảo hộ. Nếu các chính sách về thuế và vay vốn tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa cho khoa học và công nghệ.

Nhiều thành tựu khoa học được ứng dụng

Ðóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế được thể hiện qua hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu và trường đại học, hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị tổ chức trong doanh nghiệp.

Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin...

Tiêu biểu như trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản đã làm chủ công nghệ sấy bảo quản nông sản, giảm tổn thất xuống dưới 10% rau quả, công nghệ sấy lúa bảo quản lên tới 12 tháng;...

Lĩnh vực công nghệ sinh học đã ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử để chọn được các giống lúa mang gen thơm, chống chịu sâu bệnh, chịu hạn; các giống ngô lai đơn chịu hạn..., tạo ra hàng trăm chế phẩm sinh học phục vụ nền nông nghiệp sạch, hữu cơ...

Trong lĩnh vực công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tiềm lực, đổi mới công nghệ, làm chủ thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghiệp có giá trị kinh tế cao như thiết bị nâng hạ tải trọng lớn giàn khoan dầu khí, ô-tô khách, dây chuyền khai thác chế biến than, các thiết bị chính trong dây chuyền sản xuất xi-măng công suất lớn...

Theo lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ tháng 6/2020 đến nay, các nhà khoa học của Viện đã làm chủ nhiều công nghệ lõi và công nghệ tiên tiến, với 146 bằng sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp, trong đó có 4 bằng độc quyền sáng chế quốc tế. Bên cạnh một số công nghệ đã được chuyển giao cho doanh nghiệp đưa vào sản xuất thì toàn Viện đã có 1.683 hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ, với tổng kinh phí là 474 tỷ đồng.

Thông qua triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, doanh nghiệp tiếp tục được hỗ trợ đổi mới công nghệ, với kinh phí đối ứng của doanh nghiệp 82%, ngân sách hỗ trợ 18%. Mục tiêu của chương trình là hướng tới ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, nâng cao mức độ tự động hóa trong các khâu của quy trình sản xuất, các sản phẩm tạo ra có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng hướng dẫn các địa phương đánh giá trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp đối với một số ngành chủ lực, mũi nhọn, làm cơ sở xây dựng và điều chỉnh các cơ chế, chính sách phát triển nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ. Tính đến tháng 11/2022, đã có 10 địa phương hoàn thành việc đánh giá, 22 địa phương đang triển khai, 27 địa phương dự kiến triển khai trong năm 2023.

Ðến nay, cả nước có 14 điểm kết nối cung cầu công nghệ, hằng năm tiếp nhận khoảng 400 nhu cầu công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, tìm kiếm và cung cấp thông tin khoảng 3 nghìn nguồn cung công nghệ, tổ chức hơn 4 nghìn cuộc kết nối…

Theo báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý IV và năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố, đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) ước đạt khoảng 43,8%. Kết quả nêu trên đã phản ánh sự đóng góp của hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó có hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, đổi mới công nghệ…

Để khoa học và công nghệ thật sự là một trong các đột phá chiến lược nhằm phát triển nhanh, bền vững theo chỉ đạo tại Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong phát triển khoa học và công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo..

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Ðạt

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Ðạt cho biết, để khoa học và công nghệ thật sự là một trong các đột phá chiến lược nhằm phát triển nhanh, bền vững theo chỉ đạo tại Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với những yêu cầu mới đặt ra trong phát triển khoa học và công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung vào một số nhiệm vụ như: Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền các luật sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, phương thức quản lý tài chính các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp để giảm bớt thủ tục hành chính, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; tháo gỡ vướng mắc trong việc chuyển giao, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên nguồn lực để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các sản phẩm, dịch vụ mô hình kinh doanh công nghệ mới là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; xây dựng cơ chế và đề xuất triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số dự án khoa học và công nghệ.

Trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Ðề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh.

Theo Nhân Dân