Đông Nam Á với lộ trình mở cửa trở lại

13/09/2021 - 18:13

Tờ Bloomberg nhận định lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đang tìm lộ trình để mở cửa trở lại nền kinh tế theo hướng vừa khống chế dịch COVID-19 mà vẫn để người dân có thể hoạt động, từ các nhà máy sản xuất ở Malaysia, cửa hàng cắt tóc tại Manila cho đến những tòa nhà văn phòng thuộc Singapore.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một cậu bé tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AP

Điều này đã dẫn đến nhiều thử nghiệm như phong tỏa từng phần, các điểm đến tại nhà hàng và văn phòng chỉ dành cho người đã tiêm vaccine…

Khác với châu Âu và Mỹ vốn đã đi theo con đường mở cửa trở lại, Đông Nam Á có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa cao và là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất vì biến thể Delta. Tuy nhiên, áp lực kinh tế theo thời gian đã ảnh hưởng đến việc phong tỏa kéo dài.

Việc các nhà máy ở Đông Nam Á ngừng hoạt động đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các nhà sản xuất ô tô như Toyota cắt giảm sản xuất trong khi nhà bán lẻ quần áo Abercrombie & Fitch cảnh báo tình hình đang "vượt quá tầm kiểm soát". Malaysia đã cắt giảm một nửa dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống còn 3-4% khi số ca mắc hàng ngày đạt kỷ lục.

Nhà kinh tế học Krystal Tan tại Tổ chức ngân hàng Australia & New Zealand đánh giá: “Đó là sự cân bằng phức tạp giữa cuộc sống và sinh kế”. Bà nhấn mạnh rằng ngay cả Singapore vẫn gặp khó khăn với số ca mắc mới COVID-19 tăng dù đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine.

Kết quả là nhiều quốc gia Đông Nam Á đang hướng tới đối xử với COVID-19 như một bệnh địa phương. Malaysia, Indonesia và Thái Lan đang học hỏi theo chiến lược “sống chung với COVID-19” của Singapore.

Nền kinh tế lớn nhất khu vực, Indonesia đang tập trung về đường dài. Các bộ trưởng nước này cố gắng củng cố các quy tắc ví dụ như lệnh bắt buộc đeo khẩu trang có thể kéo dài nhiều năm. Họ còn đưa ra lộ trình cho các khu vực cụ thể như văn phòng và trường học để vạch ra những quy định lâu dài trong bình thường mới.

Sự tập trung sẽ chuyển sang các ca mắc COVID-19 thể nặng thay vì số lượng người mắc mới hàng ngày. Điều này đặc biệt đúng với hai quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất Đông Nam Á là Singapore và Malaysia.

Một số nước lại áp đặt lệnh phong tỏa một phần. Ví dụ như Philippines ban hành lệnh cấm di chuyển đối với những khu vực nhỏ nhất định như con phố hoặc thậm chí là chỉ một ngôi nhà.

Tại Jakarta, chỉ những người có giấy tờ chứng minh đã tiêm vaccine COVID-19 mới được vào các trung tâm thương mại và địa điểm tôn giáo. Ở Malaysia, người từng tiêm vaccine mới được đến các rạp chiếu phim. Tại Manila, các quan chức còn cân nhắc “bong bóng vaccine” với nơi công sở và phương tiện công cộng.

Theo HÀ LINH (Báo Tin Tức)

 

Liên kết hữu ích