Tác giả Mathew Lynn đã viết trên chuyên mục kinh doanh của tờ Telegraph rằng đồng tiền mã hóa thực ra đã xuất hiện từ cả thập kỷ nay, nhưng vẫn bị xếp bên rìa của hệ thống tiền tệ chủ lưu. Do vậy, đôi khi cần một công ty lớn để tạo ra cú huých trên thị trường.
Nếu như tiền điện tử thực sự thành công, nó có thể đặt dấu chấm hết cho ngành ngân hàng truyền thống, tạo ra một đơn vị tiền tệ chung đầu tiên trên toàn thế giới, và làm suy yếu quyền lực của các chính phủ và các ngân hàng trung ương đối với nền kinh tế.
Tất nhiên, điều này sẽ không xảy ra ngay lập tức, nhưng những xu thế này sẽ dần nhận được thêm nhiều lực đẩy và một khi chúng bắt đầu thì sẽ không thể dừng lại được.
Biểu tượng của tiền điện tử Libra và Calibra. Ảnh: AFP/TTXVN
Kể từ khi đồng tiền Bitcoin được tạo ra cách đây một thập kỷ, mối quan tâm về tiền kỹ thuật số đã dần tăng lên theo thời gian. Số người sử dụng không phải quá lớn, theo ước tính chỉ dao động từ 7 đến 25 triệu người. Nhưng đồng tiền số Libra của Facebook được kỳ vọng sẽ tạo ra sự bùng nổ số người sử dụng trên một phạm vi rộng, vì hiện có 2,3 tỷ người sử dụng Facebook trên toàn thế giới và con số này đang tiếp tục gia tăng.
Câu hỏi lớn ở đây là liệu Libra có thể thành công? Không nhà kinh doanh nào dám khẳng định 100% thương vụ của mình sẽ thành công, nhưng sự lạc quan trong kế hoạch kinh doanh của họ là điều luôn tồn tại. Facebook có số lượng người sử dụng khổng lồ và giá trị thị trường lên tới 500 tỷ USD. Thậm chí những những người không dùng Facebook thì họ lại sử dụng dịch vụ nhắn tin WhatsApp của mạng xã hội này, đồng nghĩa Facebook có thêm 1,5 tỷ khách hàng tiềm năng nữa cho Libra.
Từ danh sách các đối tác của Libra, hay những biện pháp mà Facebook thực hiện nhằm đảm bảo đồng tiền này có mức độ công khai minh bạch và an toàn nhất có thể, không khó để nhận ra đây là vụ đánh cược rất lớn của Giám đốc điều hành (CEO) của Facebook, Mark Zuckerberg.
Nhu cầu về tiền điện tử chắc chắn là có. Hầu hết mọi người đang dùng Internet để mua hàng nhưng các hệ thống thanh toán vẫn như đang kẹt lại thời kỳ thế kỷ 20. Nếu như Facebook phá vỡ được tình trạng này, những người lao động phỏ thông hoàn toàn có thể sử dụng tiền kỹ thuật số. Đó sẽ là một có huých lớn cho Facebook, nhưng nó thậm chí còn mang ý nghĩa lớn hơn nữa cho kinh tế toàn cầu.
Trước tiên, nó sẽ phá vỡ hoạt động của các ngân hàng truyền thống, vốn vẫn ở tình trạng yếu ớt trong suốt một thập kỷ qua. Công nghệ cũ kỹ, thương hiệu yếu, dịch vụ khách hàng chưa tốt, chi phí nhân viên và văn phòng cao, thật khó để thấy những ngân hàng này sẽ có thể sống sót trong thời đại của tiền tệ điện tử.
Vấn đề là các ngân hàng tồn tại phụ thuộc nhiều vào việc họ có thể điều khiển hệ thống thanh toán. Họ cũng cung cấp nguồn tín dụng mà nền kinh tế cần để tăng trưởng. Nếu những ngân hàng truyền thống sụp đổ, ai sẽ đứng ra đảm nhận những vai trò trên? Có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và cho vay trực tiếp cố gắng dấn thân vào lĩnh vực này. Nhưng vẫn cần thời gian chờ đợi xem liệu những người này có thể thành công hay không.
Tiếp đó, một đơn vị tiền tệ toàn cầu đơn nhất sẽ xuất hiện. Trong thời đại Internet, người dùng đều chấp nhận những hệ thống tương đồng hoặc giống hệt nhau nhằm đảm bảo các hoạt động tiện lợi trôi chảy hơn. Điều này cũng có thể áp dụng đối với vấn đề tiền tệ.
Libra có thể bắt đầu bằng cách gắn mình với đồng USD hoặc với một rổ tiền tệ trong đó có đồng euro, yen và bảng Anh. Nhưng có thể rất nhanh sau đó, tình hình sẽ đảo ngược và các đồng tiền lớn chi phối thị trường hiện nay sẽ trở thành bên được gắn kết với Libra.
Về một số khía cạnh, đây sẽ là một sự cải thiện cho thị trường tài chính. Nó sẽ giúp giảm chi phí giao dịch và hoạt động mậu dịch giữa các nước trở nên dễ dàng thuận tiện hơn. Nhưng lịch sử còn non trẻ của đồng euro cũng cho thấy một điều rằng việc đưa các đồng tiền mới vào lưu thông trên thị trường không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Không ai sẽ lấy làm ngạc nhiên nếu như Libra có những cú vấp ngã trên hành trình xây dựng vị thế của mình.
Cuối cùng, đồng tiền điện tử mới này có thể làm suy giảm mạnh quyền lực của các chính phủ và các ngân hàng trung ương. Các nhà quản lý tiền tệ đã mất nhiều thời gian cân nhắc về những thách thức từ tiền tệ kỹ thuật số ngay từ khi mới chỉ có vài chục triệu người sử dụng chúng. Nhưng khi xuất hiện đồng tiền kỹ thuật số có thể tiếp cận hàng tỷ người sử dụng thì cuộc chơi sẽ thay đổi cục diện hoàn toàn. Liệu các ngân hàng có thể lập ra tỷ giá cho Libra? Liệu các chính phủ có thể tự do vay loại tiền mà gắn với Libra?
Tất nhiên, CEO Zuckerberg có thể đang đùa với lửa. Và nếu như đồng Libra thành công, nó có thể khiến chính phủ các nước hoặc phải đoạt quyền kiểm soát hoặc bẻ gãy hoạt động kinh doanh của ông. Nhưng nếu như Facebook có thể “thoát nạn” thì nền kinh tế tiền tệ sẽ bị thay đổi vĩnh viễn.
Hiện không ai có thể khẳng định liệu Libra của Facebook sẽ thành công hay thất bại. Nhưng mạng xã hội này hiện đang là người chơi lớn nhất từ trước đến nay trên lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Giới quan sát đã nhận định chắc chắn một trong số các công ty công nghệ lớn hiện nay sẽ tạo ra đột phá để tiến vào lĩnh vực tiền điện tử, nếu không phải là Facebook thì sẽ là Amazon hay Apple.
Ngay lúc này đây, những hệ quả của một đồng tiền số chung cho toàn thế giới hoàn toàn là điều không thể đoán trước được. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là nó sẽ làm thay đổi cách thức nền kinh tế vận hành và có lẽ sẽ không gì ngăn cản được điều này xảy ra.
Theo DIỄM QUỲNH (TTXVN)