Người dân tại trại tị nạn ở Kajuru, bang Kaduna, Nigeria. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
IRC - tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York (Mỹ) - nhấn mạnh số người cần hỗ trợ nhân đạo đã tăng cao trong thập kỷ qua từ mức 81 triệu người vào năm 2014 lên 339,2 triệu người. Biến đổi khí hậu nằm trong số những yếu tố chủ chốt góp phần làm gia tăng tình trạng khẩn cấp về nhân đạo, dù 20 quốc gia trong danh sách theo dõi của IRC chỉ chiếm 2% trong tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Theo báo cáo, năm 2022 đã cho thấy tác động rõ ràng của biến đổi khí hậu đến khủng hoảng nhân đạo trên toàn cầu. Điển hình như mưa kéo dài đã gây ra tình trạng mất an ninh lương thực tại Somalia và Ethiopia, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người tại Pakistan. Trước thực trạng này, IRC đã nêu bật tầm quan trọng của việc chủ động đầu tư vào ngăn ngừa và giảm nhẹ tác hại của tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, mất an ninh lương thực có xu hướng gia tăng do xung đột leo thang và cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan căng thẳng Nga - Ukraine và đại dịch COVID-19. Tính đến tháng 11/2022, chênh lệch giữa nhu cầu hỗ trợ nhân đạo và mức hỗ trợ tài chính trên toàn cầu là 27 tỷ USD. Hậu quả là các cộng đồng chịu ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng không thể tiếp cận dịch vụ thiết yếu để phục hồi và tái thiết. Đáng chú ý, trong năm nay, số người buộc phải rời bỏ nhà cửa đã vượt con số 100 triệu, tăng mạnh so với con số 60 triệu người của năm 2014.
Theo TTXVN