Tàu du lịch đưa du khách ghé thăm và trải nghiệm tại xóm Ké, xã Hiền Lương, Đà Bắc. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Du lịch cộng đồng là một loại hình quan trọng của du lịch Việt Nam, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn, cải thiện cuộc sống của người dân mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
Đồng bào dân tộc làm du lịch hiệu quả
Mô hình du lịch cộng đồng huyện Đà Bắc đang được đồng bào Mường thực hiện tại ba xóm ở ba xã thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình (xóm Đá Bia, xã Tiền Phong; xóm Ké, xã Hiền Lương và xóm Sưng, xã Cao Sơn) đang được đánh giá cao.
Nơi đây là điểm đến lý tưởng cho chuyến đi ngắn ngày. Không chỉ ngắm cảnh đẹp nên thơ mà du khách còn có thể khám phá nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với nếp làng, phong tục, văn hóa có từ ngàn xưa.
Du khách đến Đà Bắc có thể đi theo đường bộ và đường thủy theo lòng hồ Hòa Bình; khám phá các địa danh như: Khu Bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, thác Tà Khớp, hang Thần, suối Láo, hang Mưa, hang Sưng, núi Biều, hang Lỗ Làn, vịnh Hiền Lương...
Du khách cũng có thể chọn đi thuyền khám phá cảnh quan vùng hồ, bơi mảng, chèo thuyền kayak, thăm thú bản làng, khám phá các hang động nguyên sơ, trải nghiệm hoạt động sản xuất, đi thăm lồng nuôi cá, đánh cá, kéo rọ tôm…cùng người dân.
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Đà Bắc đã góp phần phát huy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; tích cực xóa đói giảm nghèo mang lại nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Quan trọng hơn cả đã góp phần bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa truyền thống, kết nối cộng đồng.
Đồng bào nơi đây được tập huấn, trau dồi kiến thức, các kỹ năng hướng dẫn khách, thuyết minh, đón tiếp, nghiệp vụ buồng, bàn, kỹ năng nấu ăn, văn nghệ, cung cấp nông, thủy sản, cho thuê phương tiện di chuyển…
Địa hình đa dạng, vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên gồm sông, hồ, hang, suối, đồi, rừng ở Đà Bắc đều được đưa vào khai thác du lịch.
Hiện nay, lượng du khách đến trải nghiệm, khám phá ở xã Cao Sơn đang ngày một tăng lên, khoảng 80% lượt du khách là người nước ngoài.
Bình quân mỗi năm, đón 900-1.100 lượt khách, trong đó có 500-600 lượt khách lưu trú.
Thông qua con đường du lịch, những sản phẩm do bà con làm ra như chè Shan tuyết, rượu hoẵng, hàng thổ cẩm được giới thiệu, quảng bá, có sức tiêu thụ tốt giúp kinh tế của bà con dần khấm khá. Bình quân thu nhập của người dân xóm làm du lịch đạt từ 5-7 triệu đồng/người/tháng...
Các nhà làm homestay cũng dọn dẹp, chỉnh trang nhà cửa, khuôn viên sân vườn; giữ gìn môi trường, cảnh quan; tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho bản làng.
Những giá trị văn hóa vốn bị phai nhạt nay đã được củng cố; bản sắc văn hoá dân tộc Mường, Dao với ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn học truyền thống, lễ hội riêng được gìn giữ, phát huy...
Một trang Fanpage mang tên Đà Bắc CBT trên mạng xã hội Facebook đã được thành lập để người dân tương tác, giao dịch với khách hàng; quảng bá và kết nối thị trường khách.
Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng ở xóm Đá Bia đã lọt vào nhóm các bản du lịch cộng đồng ASEAN vào năm 2019…
Khai thác toàn diện các giá trị từ cộng đồng
Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), du lịch cộng đồng đã xuất hiện từ năm 1997 tại một số địa phương như Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam... Sau hơn 20 năm phát triển, du lịch cộng đồng đã phát triển mở rộng trên toàn quốc.
Cùng với trào lưu khách du lịch quốc tế tham gia loại hình du lịch trải nghiệm cộng đồng gia tăng mạnh trên toàn cầu, hoạt động du lịch cộng đồng ở nước ta đã sôi động hơn; thu hút sự quan tâm, phát triển ở nhiều địa phương, kể cả ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ mô hình du lịch cộng đồng ở nước ta đã tập trung khai thác được các giá trị văn hóa, lối sống, ẩm thực, thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư trên nhiều vùng miền. Đặc biệt, người dân đóng vai trò quan trọng trong việc trực tiếp cung cấp các dịch vụ, hướng dẫn du khách trải nghiệm, cảm nhận văn hóa, lối sống tại địa phương.
Du lịch cộng đồng đã giúp Việt Nam khai thác, giới thiệu và bảo tồn giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, giá trị văn hóa đặc sắc.
Thông qua hoạt động du lịch cộng đồng, nét văn hóa truyền thống, thói quen sinh hoạt và đời sống thường nhật của đồng bào dân tộc thiểu số chính là yếu tố hấp dẫn du khách quốc tế đến khám phá, trải nghiệm.
Tại Việt Nam, các dự án du lịch cộng đồng ở các thôn, bản như Thanh Phú, Bản Hồ, Tả Van, Tả Phin, Bắc Hà (Lào Cai); Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), Cơ Tu (Nam Giang, Quảng Nam); Buôn Đôn, Buôn Trí A (Đắk Lắk), xã Lát (Lâm Đồng)… đã dựa trên bản sắc văn hóa của đồng bào Thái, Mường, Dao, Raglây, Cơ Tu, Êđê, Cơho, tạo thành những sản phẩm độc đáo, thu hút du khách.
Địa điểm lưu trú chủ yếu của du lịch cộng đồng là nhà dân, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), nhất ở miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu), ngoài ra cũng có tại các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long...
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 5.000 homestay với sức chứa gần 100.000 khách, trong đó hơn 2.000 cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn.
Homestay tạo điều kiện cho đồng bào tăng thêm thu nhập, bán sản vật địa phương, duy trì bản sắc văn hóa, phát triển nghề thủ công và tăng cường giao lưu quốc tế dù họ không biết ngoại ngữ
Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam có 9 homestay và 6 điểm du lịch cộng đồng được trao giải thưởng ASEAN.
Đóng góp to lớn nhất của du lịch cộng đồng là đã phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc của các cộng đồng địa phương, kết hợp hài hòa nhu cầu của hiện tại và tương lai.
Du lịch cộng đồng phát triển cũng đem lại cơ hội phục hồi, phát triển một số nghề truyền thống, phong tục, sinh hoạt văn hóa cộng đồng như sản phẩm thủ công truyền thống, thổ cẩm, âm nhạc dân gian, trang sức bạc, ẩm thực...
Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống dần thu hút được sự tham gia của du khách, đơn vị lữ hành, góp phần quảng bá trực tiếp cho giá trị văn hóa của đồng bào.
Thực tế đã chứng minh, du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo ra công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao được đời sống cộng đồng và có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Từ những vùng, địa phương kinh tế còn khó khăn, nhờ hoạt động du lịch, sinh kế của người dân đã được cải thiện rõ rệt, từng bước bắt kịp những tỉnh, địa phương có hoạt động kinh tế-xã hội phát triển.
Xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nơi có nhiều nhà vườn đẹp với nhà biệt thự giữa vườn cam có thể làm homestay. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Bản chất của du lịch cộng đồng là mô hình tương đối bền vững nhờ lợi thế gần gũi, gắn bó thân thiện với môi trường cả về tự nhiên và xã hội.
Vì thế, du lịch cộng đồng không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu chung của ngành Du lịch mà còn đóng góp trực tiếp vào xu thế phát triển bền vững ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 cũng xác định ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó có du lịch văn hóa, sinh thái gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng, các địa phương phải có quy hoạch cụ thể, không phát triển ồ ạt, không gây tác động lớn vào không gian văn hóa và hệ sinh thái.
Bên cạnh đó là việc giữ gìn, tôn trọng những giá trị bản địa, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng miền, địa phương nhằm tạo sức hút với du khách từ những điểm khác biệt; đảm bảo người dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương.
Theo THANH GIANG (TTXVN/Vietnam+)