Thăng hạng đột phá
Năm 2020, dù phải đối mặt với khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19, song du lịch Việt Nam cũng chứng kiến sự thăng hạng mạnh mẽ chưa từng có trên bản đồ du lịch quốc tế. Lần đầu tiên, tên tuổi Việt Nam được xướng danh tại nhiều hạng mục danh giá đến thế tại World Travel Awards – được xem là Oscar của ngành du lịch toàn cầu.
Sa Pa là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch quanh năm.
Tại World Travel Awards (WTA) 2020 thế giới, một lần nữa, Việt Nam đã vượt qua các ứng viên sáng giá như Brazil, Ai Cập, Hy Lạp… để được xướng tên ở hạng mục "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2020". Bên cạnh các danh hiệu quy mô quốc gia, WTA năm nay cũng trao nhiều giải thưởng vinh danh các sản phẩm, dịch vụ, công trình của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch Việt Nam, bao phủ hầu hết các hạng mục: hàng không, điều hành tour, sân bay, khách sạn… Giờ đây, Việt Nam không chỉ có khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort (Đà Nẵng), mà còn có Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới 2020 dành cho Sun World Fansipan Legend (Lào Cai), Điểm du lịch biểu tượng hàng đầu châu Á 2020 dành cho Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng); Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu Châu Á (dành cho Cầu Vàng)…
Trước đó, Việt Nam cũng đã ghi dấu ấn tại lễ trao giải World Travel Awards khu vực châu Á với số giải thưởng kỷ lục được trao cho các công ty lưu trú, tổ chức lữ hành. Chỉ riêng các công trình do Tập đoàn Sun Group đầu tư và vận hành tại Việt Nam đã vinh dự đạt 25 giải thưởng.
Liên tục được xướng danh tại nhiều hạng mục trong khuôn khổ WTA 2020 thế giới và WTA 2020 khu vực châu Á, cơ hội dành cho du lịch Việt Nam dường như lại càng nhân lên và độ “phủ sóng” càng thêm mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo kết quả khảo sát điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất cho nửa cuối năm 2020 do Agoda thực hiện, Việt Nam đứng thứ 4 trong Top 10 điểm đến mơ ước của năm 2021, cùng với Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Nhật Bản.
Thành công từ kích cầu du lịch nội địa
Năm 2009, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến ngành du lịch lao đao, chương trình “Ấn tượng Việt Nam” đã thu được nhiều kết quả khả quan. Đó là lần đầu tiên ngành du lịch thực hiện một chương trình khuyến mãi lớn mà trọng tâm là việc chuyển hướng sang kích cầu thị trường du lịch nội địa.
Sau 11 năm, ngành du lịch lại đối mặt với sự sụt giảm lượng khách quốc tế và doanh thu lớn chưa từng có do đại dịch Covid-19. Theo thống kê của Bộ VHTTDL, 95% doanh nghiệp lữ hành đã dừng hoạt động. Có những điểm đến gần như không có khách.
Du khách thăm quan Bà Nà Hill
Ngay khi dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát cơ bản, tháng 5-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch phát động chương trình Kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; và tháng 9-2020 tiếp tục phát động kích cầu giai đoạn 2 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.
Khác với thời điểm 2009, cuộc kích cầu lần này có sự dẫn dắt của nhiều công ty tiên phong trong ngành du lịch… trên một quy mô toàn diện, tạo nên sức mạnh cho thị trường du lịch nội địa. Thí dụ như Sun Group, dù chịu thiệt hại nặng nề sau hai đợt dịch Covid-19 bùng phát, Tập đoàn này vẫn nỗ lực làm mới dịch vụ, sản phẩm, tích cực liên kết với các doanh nghiệp và các địa phương để tạo nên sức mạnh “kết bè vượt bão”. Tháng 5-2020, Sun Group phối hợp với UBND thị xã Sa Pa và Hiệp hội Du lịch Sa Pa với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn, cùng đưa ra chương trình kích cầu với mức giảm giá dịch vụ 30-60%. Chương trình đã tạo hiệu ứng lan tỏa hết sức hiệu quả với tổng lượng khách đến Lào Cai tháng 6 ước tính đạt 168.000 lượt, tăng 46,6% so với tháng 5, 100% là khách nội địa.
Ngay sau khi kết thúc đợt dịch thứ 2, Sun Group tiếp tục liên kết với các hãng hàng không cùng các địa phương như TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ và các tỉnh Đông Bắc Bộ triển khai các chương trình kích cầu, bước đầu đem đến những tín hiệu lạc quan cho thị trường du lịch nội địa trong dịp cuối năm.
“Cú lách khe cửa hẹp”
Điều đáng chú ý là cuộc hồi phục của ngành du lịch năm nay không chỉ dựa vào việc mời gọi khách bằng các mức giá thấp. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, cho rằng: “Kích cầu du lịch không phải là giảm giá, mà là trong giai đoạn hiện nay, cần phải tăng chất lượng dịch vụ, thêm nhiều dịch vụ mới”. Thực tế, trong năm qua, mặc dù ảnh hưởng Covid-19 nhưng du lịch Việt Nam lại chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của nhiều điểm đến, từ diện mạo cho đến các sản phẩm, dịch vụ độc đáo, mới mẻ.
Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen
Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh) của Sun Group mới đi vào hoạt động vào tháng 5-2020 với các trải nghiệm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp chuẩn Nhật đã nhanh chóng tạo sức hút lớn đối với đông đảo du khách toàn quốc. Hay bên cạnh một Sa Pa vốn đã quá quen thuộc, du khách lần đầu tiên được trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ mới vô cùng ấn tượng như thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam tại KDL Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai).
Thời điểm cuối năm và Tết Dương lịch vừa qua, sự trở lại mạnh mẽ của lượng khách nội địa ở Sa Pa, Hạ Long, Vũng Tàu, Phú Quốc, Côn Đảo… cũng đã trở thành động lực cho ngành du lịch đứng vững.
Theo các chuyên gia du lịch, 2021 vẫn là một năm nhiều khó khăn và thách thức, song với “cú lách khe cửa hẹp” đầy ấn tượng trong năm 2020, du lịch Việt Nam vẫn có nhiều “cửa sáng” để đặt niềm tin vào sự “chuyển mình” phục hồi nhanh chóng và phát triển đột phá trong năm 2021.