Du xuân ngôi chùa linh thiêng ở Thái Bình, ngắm gác chuông gỗ cao nhất Việt Nam
12/02/2024 - 06:40
Nằm trong khuôn viên chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), toà gác chuông gần 400 năm tuổi được làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Nhìn từ xa, gác chuông như bông hoa sen khổng lồ đang bung nở.
AA
Gác chuông là kiến trúc thường thấy trong các ngôi chùa ở Việt Nam. Thế nhưng gác chuông tại chùa Keo là độc nhất vô nhị, từ chất liệu cho đến kích thước. Tháng 12/ 2007, gác chuông Chùa Keo được Kỷ lục Guinness Việt Nam xác lập là gác chuông bằng gỗ cao nhất Việt Nam.
Gác chuông chùa Keo được dựng theo kiểu chồng diêm cổ các nhưng có tới 3 tầng, 12 mái với kiến trúc mặt bằng theo hình vuông, diện tích 72m2, độ cao từ nền tới bờ nóc là 11,5m; và được dựng trên nền gạch xây đôn cao. Ở mỗi hướng đều có bậc lên xuống gác chuông.
Ở mỗi tầng của gác chuông đều được làm 4 mái, lợp ngói nam, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng 12 mái ngói, ở mỗi mái đều có đầu đao cong mềm mại.
Riêng hệ thống ghép mộng của cụm đấu của chùa Keo thì cả Việt Nam không hề có công trình thứ hai, bởi vì đây là một chùm mộng, một chùm các gánh đòn dọc, đòn ngang để gia cố. Mỗi chùm mộng là mối liên kết cụm 6 đòn, cả công trình có trên 300 mối liên kết như thế. Vậy nên dù trải qua hàng trăm năm mưa nắng, gác chuông bằng gỗ vẫn nguyên vẹn, vững chãi.
Phần chạm khắc trên khung kiến trúc ở gác chuông cũng có đặc điểm riêng với hình rồng, hoa sen làm chủ đạo. Mỗi hoạ tiết đều được làm rất tỉ mỉ, mềm mại, tinh tế, tạo nên tổng thể hài hoà, thống nhất cho toà gác chuông.
Không phải ngẫu nhiên gác chuông Chùa Keo được coi là biểu tượng của Thái Bình. Từ chất liệu đến những đường nét kiến trúc của gác chuông đã tạo nên vẻ đẹp trầm mặc, thâm nghiêm nhưng không kém phần mềm mại, mang lại cảm giác cung kính, an tĩnh cho du khách ghé thăm.
Theo Vietnamnet
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: