Theo nghiên cứu của PGS.TS Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ), An Giang là tỉnh có vị trí địa lý và cảnh quan đặc sắc ở ĐBSCL, với khung cảnh núi sông hùng vĩ, là vùng đất có bề dày lịch sử. Đây là trung tâm của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, là vùng đất trọng yếu trong quá trình khai hoang lập ấp của người Việt (thế kỷ XVII-XIX). Vì vậy, trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều di tích lịch sử - văn hóa rất quý báu. Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 1.198 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Trong đó 77 di tích được xếp hạng, gồm: 29 di tích cấp quốc gia, 48 di tích cấp tỉnh. So với các tỉnh ĐBSCL, An Giang tập trung nhiều di sản Hán Nôm rất có giá trị, gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp dưới triều Nguyễn, nhiều nhất là ở TP. Châu Đốc và huyện Thoại Sơn, được thể hiện trên các hoành phi, câu đối, sắc phong, liễn thờ, văn bia, bài vị, sách vở tại các điểm di tích. Thế nhưng, thời điểm hiện tại, ngoài các nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên chuyên ngành các trường đại học, một số người cao tuổi lưu tâm đến chữ Hán Nôm tại các di tích cổ, còn lại hầu như chưa hiểu rõ loại chữ gì, nội dung và nghệ thuật, vẻ đẹp điêu khắc, thư pháp, chức năng của chúng. Du khách đến đình, chùa, nhất là khách nước ngoài dẫu có quan tâm, thực sự muốn tìm hiểu không biết hỏi ai vì ngay cả hướng dẫn viên du lịch cũng gặp khó khăn khi giải thích cho du khách những câu hỏi liên quan đến văn bản Hán Nôm trong di tích.
Các câu đối, liễn thờ bằng chữ Hán Nôm được lưu giữ ở đình Thoại Ngọc Hầu (Thoại Sơn)
Xuất phát từ thực tế đó, PGS.TS Nguyễn Kim Châu cho rằng, An Giang cần sưu tầm tư liệu Hán Nôm được bảo tồn tại các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng. Từ đó có những đánh giá sơ bộ giá trị lịch sử văn hóa, văn chương của di sản Hán Nôm, định hướng khai thác di sản quý giá này trong phát triển du lịch. Đồng thời, giới thiệu một số thể loại văn bản Hán Nôm phổ biến nhằm giúp các hướng dẫn viên du lịch, các cán bộ làm công tác văn hóa, du lịch tại địa phương có thêm một số thông tin cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình công tác sau này.
Trong thực tế nghiên cứu, nhóm giảng viên Trường Đại học Cần Thơ còn có những đề xuất cụ thể trong việc bảo tồn di sản văn hóa Hán Nôm. Đó là đề xuất xây dựng mái che hoặc đưa bia ký hiện đang gắn ở tường thành lăng Thoại Ngọc Hầu (Khu di tích núi Sam) vào nhà để tránh mưa nắng, lưu giữ một số chữ cổ. Đồng thời, cần sớm số hóa và lưu giữ các tư liệu gốc về di sản văn hóa ở Khu di tích núi Sam. Việc trùng tu các di tích cấp quốc gia như: lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An rất cần có ý kiến của các nhà chuyên môn để tránh làm biến dạng và tổn thất những giá trị di sản do thực hiện không đúng cách. Hiện nay, nhiều người dân và du khách không biết đọc chữ Hán và chữ Nôm. Vì vậy, việc thu thập, hệ thống hóa, đánh giá và biên dịch tư liệu Hán Nôm ra tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước là cần thiết. Cùng với đó là bồi dưỡng hướng dẫn viên du lịch tại điểm có những hiểu biết về chữ Hán Nôm, đẩy mạnh thông tin quảng bá du lịch với việc giới thiệu chữ Hán Nôm, giá trị của những cổ vật ở nhà trưng bày, tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch để giới thiệu chuyên sâu hơn về những giá trị độc đáo tại các điểm di tích, văn hóa, lịch sử trong tỉnh.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG