Đưa gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng nhanh đến 'đích'

19/04/2020 - 14:26

Gói hỗ trợ có quy mô gần 62.000 tỷ đồng được đánh giá 'chưa có tiền lệ;' là hành động cấp bách, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn trước 'trận chiến' chống đại dịch COVID-19.

Các cán bộ tổ dân phố Phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, ghi chép thông tin tại một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Với tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no," gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là hành động thiết thực, khẳng định mục tiêu nhân văn "không để ai bị bỏ lại phía sau" của Đảng và Nhà nước trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Để niềm vui của các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ này được trọn vẹn, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đóng vai trò quan trọng nhằm tích cực triển khai sớm đến tận tay từng người dân; công khai, minh bạch, tránh tình trạng trục lợi chính sách.

Tinh thần minh bạch, công khai

Với mục tiêu "tất cả vì lợi ích của nhân nhân," ngày 9/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với ước tính khoảng 20 triệu người được thụ hưởng, là đối tượng chính sách và người lao động thuộc 7 nhóm.

Gói hỗ trợ có quy mô gần 62.000 tỷ đồng được đánh giá "chưa có tiền lệ;" là hành động cấp bách, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trước "trận chiến" chống đại dịch COVID-19.

Để gói hỗ trợ an sinh xã hội được triển khai hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sau khi được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất "độ trễ" của chính sách khi đi vào cuộc sống.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo kịp thời, công khai, minh bạch, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, đặc biệt tổ chức cơ sở sẽ tham gia giám sát thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Qua đó, các chính sách hỗ trợ đến được với người dân kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo không xảy ra sai sót, thất thoát.

Với chức năng là cơ quan chủ trì triển khai gói hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định gói hỗ trợ sẽ đến tay người lao động khó khăn trong thời gian sớm nhất, không để trễ; công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách.

"Những ngày vừa qua, vấn đề này nhận được sự quan tâm, kỳ vọng và ủng hộ của người dân cả nước. Số kinh phí lớn, đối tượng nhiều, đa dạng nhưng tinh thần không để đồng tiền của người dân bị lạm dụng, trục lợi," Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Do đó, bên cạnh việc đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, thành phố quan tâm, phối hợp thực hiện, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu rõ, trong quá trình triển khai, cần kiểm tra, xử lý ở mức nghiêm minh nhất các vi phạm trong triển khai hỗ trợ.

Bà Võ Thị Kim Nhung, Tổ trưởng tổ dân phố 29, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng đến nhà dân lập danh sách các đối tượng nhận hỗ trợ. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ủy ban giám sát sẽ được thành lập ở các địa phương, trong đó đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương cùng với sự tham gia của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, đại diện đại biểu Quốc hội các địa phương... để giám sát quá trình triển khai gói hỗ trợ.

Phát huy trách nhiệm cán bộ cơ sở, vai trò giám sát của nhân dân

"Không để người dân "đói cơm, lạt muối," hiện nay, các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể trên cả nước đang nỗ lực vào cuộc; huy động sự vào cuộc giám sát của người dân có thể đưa gói an sinh xã hội nhanh đến "đích", trao tận tay đúng người được hưởng, trên tinh thần công khai, minh bạch.

Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, trách nhiệm của cán bộ cấp cơ sở, Đà Nẵng đang trở thành điểm sáng trong việc triển khai gói an sinh xã hội.

"Đi từng ngõ, gõ từng nhà" hiện cũng là biện pháp được các cán bộ xã, phường thành phố Đà Nẵng tích cực thực hiện để thu thập thông tin, rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng cụ thể. Các cán bộ cơ sở đóng vai trò như những khảo sát viên, đến từng hộ gia đình, ghi vào danh sách để đảm bảo chính xác.

Tương tự, tỉnh Bình Thuận chú trọng vai trò giám sát và thực hiện của người đứng đầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành triển khai khẩn trương các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đảm bảo kinh phí hỗ trợ đến tận tay các đối tượng, người lao động trong thời gian sớm nhất nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của nhân dân, người lao động, góp phần ổn định xã hội.

Người đứng đầu phải chú ý công tác thống kê, lập danh sách chi trả phải đúng đối tượng, đúng chính sách, kịp thời, không bỏ sót đối tượng thụ hưởng chính sách.

Bình Thuận kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức cố tình gây khó khăn, làm chậm tiến độ, thời gian các nhiệm vụ được giao; kỷ luật, thay thế các cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chính sách gây phiền hà, nhũng nhiễu, chi phối khi thực hiện công vụ, vi phạm quy định của pháp luật.

Bên cạnh việc rà soát kỹ các đối tượng được hưởng hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ yêu cầu các địa phương tránh trường hợp bỏ sót hoặc sai đối tượng.

Ông Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh: "Nếu thực hiện hỗ trợ không đúng đối tượng, người đứng đầu địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm." Do đó, các địa phương cần xác định lại các đối tượng được hưởng hỗ trợ để đảm bảo sự chính xác, tránh bỏ sót, chi sai đối tượng, sau đó, niêm yết danh sách để người dân có ý kiến rồi báo cáo tổng hợp trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Với tinh thần khẩn trương, nhanh chóng hỗ trợ người dân, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân khẳng định, thành phố đã đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội.

Trong khi chờ hướng dẫn Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện rà soát trước các nhóm đối tượng được thụ hưởng; khi có hướng dẫn cụ thể sẽ triển khai để tiền nhanh chóng được chuyển đến người dân.

Tương tự, với quan điểm "không bỏ sót cũng như không để sai lệch đối tượng thụ hưởng," Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã nhanh chóng giao các sở, ngành chuẩn bị sẵn sàng để trao tiền hỗ trợ đến tay người dân.

Tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Ban Chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã, phân công nhiệm vụ, lập biểu mẫu, hình thức thống kê... Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện nêu rõ: "Khi có hướng dẫn, vài ngày sau nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách... sẽ nhận được hỗ trợ ngay."

Sự chủ động, quyết tâm trong triển khai hành động của các địa phương đã góp phần đưa chính sách nhân văn của Chính phủ đến cuộc sống; hỗ trợ trúng, đúng đối tượng.

Gói hỗ trợ an sinh xã hội không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn là sự động viên, hỗ trợ kịp thời về mặt tinh thần đối với người dân khi phải đối mặt với "khó khăn kép" - vừa lo chống dịch, vừa lo cuộc sống "cơm áo gạo tiền" hàng ngày.

Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt sự sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, sự đồng lòng hưởng ứng của người dân, gói hỗ trợ an sinh xã hội - "phao cứu sinh" của người lao động sẽ sớm về đích.

Từng đồng tiền sớm đến tận tay từng người có hoàn cảnh khó khăn để người dân có thêm nghị lực, đồng lòng vượt qua đại dịch COVID-19.

Theo DIỆP TRƯƠNG (Vietnam+)