Đưa kết quả Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) vào cuộc sống

02/11/2022 - 05:09

Để đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất về tư tưởng, hành động trong Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức hội nghị thông báo kết quả Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII). Sau hội nghị, các cán bộ, đảng viên trong tỉnh rất đồng thuận và thống nhất hành động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đưa An Giang tiếp tục phát triển.

Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII)

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Hội nghị do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang chủ trì, đồng thời là báo cáo viên thông báo kết quả nội dung, chương trình làm việc của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), diễn ra từ ngày 3 đến 9/10, tại thủ đô Hà Nội. Theo Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, Hội nghị lần thứ 6 (khóa XIII) đã bàn thảo, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của Đảng, của đất nước. Đặc biệt, hội nghị tiếp tục nêu cao tinh thần chống tham nhũng, tiêu cực; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị…

Trực tiếp theo dõi Hội nghị lần thứ 6, qua các phương tiện truyền thông và dự hội nghị thông báo kết quả do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Châu Đốc Cao Xuân Bá bày tỏ sự tán thành cao đối với Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Đồng thời, cho rằng đây là yêu cầu đặt ra đối với Đảng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển từng giai đoạn của đất nước. Việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp khi đất nước đang trong giai đoạn phát triển mới.

 Qua theo dõi kết quả Hội nghị lần thứ 6 (khóa XIII), đảng viên Đoàn Tấn Bình (ngụ phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) cho rằng: “Để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta không thể sử dụng phương thức lãnh đạo của các giai đoạn cách mạng trước, mà phải đổi mới, thay đổi nhiệm vụ, đường lối, chủ trương, chính sách trong từng thời kỳ, từng giai đoạn trong quá trình lãnh đạo. Khi phương thức lãnh đạo đúng, hoạt động của Đảng sẽ đạt hiệu quả trong thực tiễn. Mặt khác, cần tiếp tục phát huy vai trò nêu gương, tiền phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, sai phạm nhằm nâng cao uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng”.

“Tuy nhiên, để thực sự đổi mới hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, chúng ta cần coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh, đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói: Phải xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng ngay từ khi lựa chọn, bố trí cán bộ, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”. Có như vậy mới hạn chế việc xử lý những cán bộ sai phạm, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới công tác cán bộ theo hướng ngày càng dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch hơn, đúng nguyên tắc, đúng quy trình nhằm bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng” - cán bộ hưu trí Trần Lệ Xuân bày tỏ.

Nâng cao uy tín, sự trong sạch của Đảng

Một nội dung khác cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội là việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu khai trừ ra khỏi Đảng đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng; cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang và Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt. Trước đó, hàng chục cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 Sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị xử lý kỷ luật.

Cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ với 7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Những con số này đã minh chứng cho quyết tâm của Đảng trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” để giữ gìn sự trong sạch của Đảng và hệ thống chính trị. Qua đó, thể hiện quyết tâm, hành động mạnh mẽ, chủ động, kiên quyết trong công cuộc đấu tranh và xử lý nghiêm suy thoái, tiêu cực của cán bộ, đảng viên mà Đảng ta đã, đang và tiếp tục thực hiện với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.

Hội nghị lần thứ 6 (khóa XIII) cũng đánh giá khá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội (KTXH), ngân sách nhà nước năm 2022, chỉ rõ cả ưu điểm và hạn chế; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH, ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025. “Kinh tế đất nước và tỉnh An Giang đã phục hồi, phát triển với những kết quả phấn khởi. Tôi rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của nhà nước. Tuy nhiên, hậu quả của đại dịch COVID-19 là rất lớn. Vì vậy, tôi rất mong đợi Đảng, nhà nước và địa phương sẽ có những chính sách phù hợp, mạnh mẽ trong hỗ trợ nâng cao năng lực, khả năng chống chịu để giảm thiểu những thiệt hại do tác động tiêu cực của đại dịch gây ra. Đặc biệt, sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh, giúp người dân ổn định đời sống để đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, đất nước” - bà Kim Chi (ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) gửi gắm.

Trên cơ sở những nội dung quan trọng, cốt lõi của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII), Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và cụ thể hóa, thực hiện thành công các nghị quyết, kết luận đã được hội nghị thông qua. Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, năng động, sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, thách thức, khai thác tối đa tiềm năng, tận dụng mọi thời cơ, quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

THU THẢO